Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2021, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành đẩy đủ và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nội dung thuộc chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, qua đó góp phần quan trọng trong công tác huy động, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước; việc chuyển hướng sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đã phát huy hiệu quả, tạo nền tảng để phục hồi, phát triển kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo
Bên cạnh việc triển khai quyết liệt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chính phủ đã kịp thời báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 và tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, đề án quan trọng phát triển đất nước như: Tiếp tục kiện toàn bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn; Triển khai, thực hiện nghiêm túc chương trình, kế hoạch công tác trọng tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng, thu hồi số lượng lớn tiền, tài sản cho Nhà nước, góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân.
Về các kết quả cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán quản lý sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước góp phần thực hiện thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, kéo dài ở nhiều địa phương, Chính phủ kịp thời điều chỉnh về chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân, góp phần từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống cho người dân trong trạng thái bình thường mới.
Qua đó, kết quả thu ngân sách nhà nước vượt 16,8% so với dự toán. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổ chức điều hành dự toán ngân sách nhà nước chủ động, chặt chẽ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách; cải cách công tác kiểm soát chi; cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động điều hành, tăng cường quản lý nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh; giám sát chặt chẽ nợ chính quyền địa phương. Các chỉ tiêu an toàn nợ công đảm bảo nằm trong mức trần, ngưỡng nợ được Quốc hội cho phép.
Quốc hội nghe trình bày Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021
Tiếp tục quán triệt thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo định hướng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Các bộ ngành, địa phương đã tiết kiệm kinh phí ngân sách nhà nước do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ cho cơ quan, tổ chức, điển hình như: Bắc Giang, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Kiên Giang, Hải Dương, Tiền Giang,…
Trong đầu tư công, quản lý tài sản công, ngay từ đầu năm 2021, Chính phủ xác định đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, công điện để hướng dẫn, triển khai, đôn đốc, đẩy mạnh giản ngân vốn đầu tư công, bảo đảm đúng mục tiêu, định hướng đề ra. Lũy kế giải ngân năm 2021 đạt 83,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước thanh toán từ đầu năm đến hết 31/01/2022 đạt 93,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nhiều bộ, cơ quan, địa phương có kết quả giải ngân đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao như: Ngân hàng Phát triển (100%), Bộ Tài chính (96,89), Tiền Giang (98,9%), Hưng Yên (98%), Hải Phòng (97%), Bình Thuận (96,7%)....
Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm. Trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, các địa phương đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch, tiến độ sử dụng đất cấp huyện. Công tác quản lý khoáng sản, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng tiếp tục chuyển biến tích cực hơn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp
Trong tổ chức bộ máy, quản lý và sử dụng lao động, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ một số đơn vị đạt kết quả tốt, như: Bộ Tài chính, Long An, Kiên Giang, Vĩnh Phúc, An Giang…Về cơ bản, các địa phương hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong cơ quan chuyên môn và tương đương. Số lượng đơn vị sự nghiệp công lập giảm được 12,35% so với năm 2015. Đến hết năm 2021 biên chế công chức giảm 10,01%, biên chế sự nghiệp giảm 11,67%, số người hoạt động không chuyên trách, thôn, tổ dân phố giảm 46,64% so với năm 2015, hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế 10% mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 39-NQ/TW. Công tác cải cách thủ tục hành chính năm 2021 tiếp tục được kết quả tốt. Các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, ban hành 2.568 quyết định công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý.
Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các ngành, lĩnh vực có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được tăng cường, nhiều bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát được số lượng lớn văn bản. Đến năm 2021 có khoảng 13.000 tiêu chuẩn Việt Nam, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực trên 60%.
Công tác thanh tra, kiểm tra góp phần thực hiện thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết trong năm 2021, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 6.809 cuộc thanh tra hành chính và 177.245 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế và kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, đã tiến hành xử lý hành chính đối với 2.341 tập thể và 6.244 cá nhân; ban hành 132.319 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân, đồng thời chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý theo quy định 437 vụ, 259 đối tượng.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh COVID-19, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra.
Các đại biểu tham dự phiên họp
Bên cạnh đó, còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như: Một số bộ, ngành, địa phương chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và chậm báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 so với thời hạn quy định. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết có hiệu lực đồng thời với văn bản quy phạm pháp luật chưa được thực hiện triệt để; một số văn bản quy phạm pháp luật của bộ, ngành, địa phương khi ban hành còn chưa đúng về nội dung, thẩm quyền; tiến độ xử lý văn bản sau rà soát còn chậm...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022, Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, trong đó tập trung, ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 trên cơ sở kết hợp linh hoạt, sáng tạo, hài hòa, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2262/QĐ-TTg ngày 31/12/2021 về Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
Trong đó, xác định một số nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chủ yếu: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp. Xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực được giao phụ trách. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với các hình thức đa dạng; kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí theo thẩm quyền.
Tăng cường công tác tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực: Quản lý ngân sách nhà nước; quản lý vốn đầu tư công; quản lý nợ công; quản lý tài sản công; quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; quản lý lao động, thời gian lao động...
Đẩy mạnh thực hiện công khai, nâng cao hiệu quả kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tập trung một số nội dung, lĩnh vực trọng điểm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý; gắn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng./.