BỘ CÔNG AN CẦN PHÂN TÍCH KỸ HƠN CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG AN CÁC CẤP

12/04/2022

Đánh giá bước đầu Báo cáo của Bộ Công an về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổ trưởng Tổ Công tác thuộc Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An đề nghị Báo cáo của Bộ Công an phân tích kỹ hơn chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc tiếp công dân của Công an các cấp; làm rõ hơn số liệu về tiếp công dân của Thủ trưởng Bộ Công an; đồng thời làm rõ thêm thông tin về xử lý cán bộ sai phạm (mức xử lý kỷ l;uật, lĩnh vực nào, cấp nào, đơn vị nào).

Toàn cảnh Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm Trưởng Đoàn làm việc với Bộ Công an về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đánh giá bước đầu Báo cáo của Bộ Công an về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổ trưởng Tổ Công tác thuộc Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An cho biết, Báo cáo của Bộ Công an cơ bản đã bám sát Đề cương, phụ lục, bảng biểu theo hướng dẫn; phản ánh khá toàn diện tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ trưởng trong 5 năm qua; chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất một số kiến nghị cụ thể.

Khác với một số Bộ, trong tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Bộ Công an phải tổng hợp số liệu của cả 3 cấp (bộ, tỉnh, huyện), do đó, số lượng đơn, thư, vụ việc lớn; việc theo dõi, tổng hợp phải đầu tư bài bản. Bên cạnh công tác nội bộ, Bộ Công an còn nhiệm vụ quan trọng nữa đó là việc tham gia phối hợp tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cùng với các cơ quan Trung ương, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương. Đây cũng là nhiệm vụ rất nặng nề bởi nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Mặc dù Báo cáo và các phụ lục đã cơ bản khái quát, cung cấp thông tin, số liệu cơ bản làm rõ được yêu cầu của Đề cương, tuy nhiên, Tổ trưởng Tổ Công tác, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An cho rằng, Báo cáo có một số nội dung còn chung chung, chưa rõ; một số nhận định cần có số liệu minh họa; cần thống nhất số liệu giữa phụ lục và nội dung… Đề nghị Bộ tiếp tục quan tâm làm rõ các nội dung này trong Báo cáo; một số nội dung cần có sự so sánh giữa các giai đoạn trước và sau giám sát để làm rõ được thực tế diễn ra trong giai đoạn báo cáo.

Về kết quả tổ chức thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổ Công tác nhận thấy, kết quả thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Công an là nổi bật. Báo cáo đã khái quát được tình hình chung về khiếu nại, tố cáo của công dân, những lĩnh vực, nội dung chủ yếu công dân khiếu nại, tố cáo. Theo đó, tình hình khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm giải quyết của ngành Công an có xu hướng tăng. Khiếu nại, tố cáo chủ yếu về công tác hành chính trong lực lượng CAND, liên quan đến hoạt động công vụ của cán bộ, chiến sỹ, đặc biệt là khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tố tụng hình sự có xu hướng phát sinh nhiều đơn thư, có vụ việc kéo dài, gửi nhiều nơi, vượt cấp. Nội dung này Tổ Công tác đã trao đổi, đề nghị lảm rõ và trong Báo cáo bổ sung của Bộ Công an đã đề cập cụ thể. Tuy nhiên, Tổ Công tác đề nghị Báo cáo của Bộ Công an phân tích kỹ hơn chất lượng của công tác tiếp công dân, việc tiếp công dân của Công an các cấp, đề nghị làm rõ hơn số liệu về tiếp công dân của Thủ trưởng Bộ Công an; làm rõ thêm việc xử lý, theo dõi xử lý các kiến nghị, phản ánh chiếm đa phần khi tiếp công dân.

Tổ trưởng Tổ Công tác, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An đánh giá bước đầu Báo cáo của Bộ Công an về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo,

Tổ Công tác cũng đề nghị Bộ Công an và Đoàn giám sát tiếp tục phân tích làm rõ, nhất là về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tố tụng hình sự, trong thực hiện các nhiệm vụ, lĩnh vực liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; làm rõ thêm thông tin về xử lý cán bộ sai phạm (mức xử lý kỷ l;uật, lĩnh vực nào, cấp nào, đơn vị nào); hướng xử lý các vụ việc đang được giải quyết; về cách thức xử lý đối với kiến nghị, phản ánh; đánh giá thêm về tỷ lệ tố cáo đúng, có đúng có sai cao nguyên nhân từ đâu; việc xử lý kỷ luật tập trung ở cấp tỉnh, cấp huyện cho thấy các sai phạm ở cơ sở là chủ yếu, giải pháp là gì?

Trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, vai trò của Công an các cấp là rất quan trọng. Tổ Công tác đánh giá cao Bộ Công an đã báo cáo tương đối chi tiết, có số liệu cụ thể về tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp ở 63 tình, thành, khái quát được các vấn đề nóng như tranh chấp đất đai (chiếm gần 70%), ô nhiễm môi trường, đòi hỏi quyền lợi nhà chung cư, chuyển đổi mô hình chợ, phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Báo cáo của Bộ cũng đã nêu rõ xu hướng, diễn biến thời gian gần đây liên quan đến an ninh, trật tự, đồng thời cũng đề cập tới các nguyên nhân để xảy ra các vụ việc phức tạp. Các nhận định này rất quan trọng, để Đoàn giám sát có thể tổng hợp, đánh giá chung về vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Liên quan đến các vụ việc phức tạp, kéo dài, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An, đại diện Tổ Công tác đề nghị Bộ Công an có báo cáo bổ sung, làm rõ thêm các nội dung liên quan đến danh sách 501 vụ việc này: tiêu chí lựa chọn, cách phân loại, tính chất các vụ việc, mối quan hệ với danh sách các vụ việc phức tạp của Thanh tra Chính phủ; kết quả giải quyết của các địa phương; hướng giải quyết thời gian tới.

Tổ Công tác cơ bản nhất trí với nội dung đánh giá của Bộ Công an về kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp khắc phục thời gian tới trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Công an nói riêng và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung. Để toàn diện hơn trong Báo cáo, Tổ Công tác đề nghị Bộ Công an làm rõ thêm các nhận định, đánh giá liên quan đến thể chế, công tác phối hợp giữa các cơ quan; đặc biệt, cần đánh giá kỹ về công tác cán bộ, đội ngũ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, bộ máy làm công tác thanh tra trong ngành Công an./.

Bích Ngọc