GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG KINH DOANH BẢO HIỂM THÔNG QUA BIỆN PHÁP NGHIỆP VỤ

12/04/2022

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) của Ủy ban Kinh tế, Bộ Tài chính sẽ giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ những cam kết với bên mua bảo hiểm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về việc giám sát, xây dựng, thẩm định hợp đồng bảo hiểm, dự thảo Luật bổ sung thêm một khoản quy định: “Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn các nội dung của hợp đồng bảo hiểm đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe”. Đồng thời, Bộ Tài chính giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm thông qua hoạt động nghiệp vụ, áp dụng các biện pháp cần thiết để doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm thực hiện những cam kết với bên mua bảo hiểm. Tuy nhiên, do hợp đồng bảo hiểm là thoả thuận dân sự, thuộc trách nhiệm của các bên, có liên quan đến con người và pháp nhân nên Bộ Tài chính chỉ quy định một số quy tắc để áp dụng thống nhất chung trên thị trường nhằm giảm tải các tranh chấp phát sinh.

Đối với việc kết hợp các loại hợp đồng bảo hiểm trong một hợp đồng bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, để bảo đảm rõ ràng, chặt chẽ và thống nhất về kỹ thuật lập pháp trong các điều khoản, dự thảo Luật sẽ quy định theo hướng Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm có thể thỏa thuận giao kết một loại hợp đồng bảo hiểm hoặc kết hợp nhiều loại hợp đồng bảo hiểm theo các quy định của Luật này.

Đối với nguyên tắc trung thực tuyệt đối trong quy định về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, Bộ luật Dân sự quy định một trong các nguyên tắc trong pháp luật dân sự là nguyên tắc thiện chí, trung thực. Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 của Bộ luật Dân sự: “cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực”. Bên cạnh đó, theo thông lệ quốc tế, nguyên tắc trung thực tuyệt đối là nguyên tắc đặc trưng trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm phải cung cấp thông tin và thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách trung thực nhất, trên cơ sở tin tưởng tuyệt đối lẫn nhau trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Do đó, các cụm từ này được thể hiện trong dự thảo Luật là dựa theo thông lệ quốc tế, đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đồng thời làm rõ và nhấn mạnh ý nghĩa “tuyệt đối” của nguyên tắc trung thực giữa các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Để quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm, dự thảo Luật quy định “Số tiền bồi thường mà người được bảo hiểm nhận được trong mọi trường hợp không vượt quá thiệt hại thực tế trong sự kiện bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác tại hợp đồng bảo hiểm”. Theo đó, quy định trừ trường hợp có thỏa thuận khác đã bảo đảm bao quát được các trường hợp, bao gồm cả trường hợp hợp đồng bảo hiểm quy định mức giới hạn trách nhiệm hay nguyên tắc khoán.

Đối với vấn đề bảo đảm thống nhất các từ ngữ như: hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe, hợp đồng bảo hiểm tài sản và hợp đồng bảo hiểm thiệt hại, không bao gồm bảo hiểm trách nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, theo thông lệ quốc tế, các loại hợp đồng bảo hiểm bao gồm: hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe; hợp đồng bảo hiểm tài sản và thiệt hại. Bảo hiểm trách nhiệm là một phần của bảo hiểm thiệt hại. Tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, phân loại thành hợp đồng bảo hiểm con người (bao gồm hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe); bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm. Để phân loại rõ các loại hợp đồng, điểm b khoản 1 Điều 15 quy định rõ một trong các loại hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng bảo hiểm tài sản và hợp đồng bảo hiểm thiệt hại, không bao gồm bảo hiểm trách nhiệm. Đề bảo đảm thống nhất các từ ngữ, dự thảo Luật quy định: “Nguyên tắc thế quyền: Người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển giao quyền yêu cầu bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài để yêu cầu người thứ ba có hành vi gây thiệt hại chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe”.

Về hình thức giao dịch dân sự, hình thức hợp đồng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 119 của Bộ luật Dân sự: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản”. Như vậy, pháp luật đã cho phép lựa chọn hình thức của giao dịch dân sự. Đối với hợp đồng bảo hiểm, hình thức phù hợp đã được lựa chọn và quy định tại dự thảo là “văn bản”./.

Minh Hùng