Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 01 tháng và trong 01 năm của người lao động. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là việc tăng giờ làm thêm của người lao động cần được tính toán kỹ lưỡng dựa trên sức khỏe của người lao động khi bị mắc Covid-19, ảnh hưởng của hậu Covid-19 cũng như tỷ lệ tái nhiễm bệnh.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tại Phiên họp ngày 10/3, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tờ trình về làm thêm giờ trong tháng, trong năm để phục hồi nền kinh tế-xã hội trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19. Đề xuất này dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp, người sử dụng lao động và chính người lao động. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp xuất nhập khẩu như: dệt may, da giày. Qua khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, nhiều người đồng thuận với việc tăng giờ làm thêm. Nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp thỏa thuận với người lao động về làm thêm giờ. Tuy nhiên, sự thỏa thuận giữa 2 bên có thể dẫn mất quyền lợi của người lao động. Vì vậy, cần phải có Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 01 tháng và trong 01 năm của người lao động.
Về thời gian làm thêm, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới cũng đã điều chỉnh thời gian làm thêm giờ để ổn định kinh tế-xã hội, đảm bảo cuộc sống, thu nhập của người dân sau thời gian dài nghỉ vì đại dịch Covid-19. Qua khảo sát của các hiệp hội, doanh nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đồng tình với mức tăng thời gian làm thêm tối đa trong 01 năm từ 200 giờ lên không quá 300 giờ (150%); đồng tình nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 01 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ. Chính sách làm thêm giờ cần công khai minh bạch để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đóng góp ý kiến tại Phiên họp.
Liên quan đến đề xuất của Chính phủ về nâng trần thời gian làm thêm giờ trong 1 tháng từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong suốt thời gian Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ xem xét dự thảo Nghị quyết này, cá nhân Chủ tịch Quốc hội không nhận được văn bản nào của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp gửi tới để đề nghị nâng trần thời gian làm thêm giờ trong một tháng lên đến 72 giờ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lại cho rằng, đây là vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, xã hội... nên cần có cái nhìn toàn diện và để giải quyết hài hòa lợi ích của các bên thì cần có quyết sách tổng hợp. Việc tăng giờ làm việc là bài toán tổng hòa cần được nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên nhiều yếu tố. Một quyết sách liên quan không chỉ là vấn đề lao động, vấn đề sản xuất, việc làm, sức khỏe của người dân mà còn là vấn đề chính trị, vấn đề xã hội và nhiều vấn đề khác nữa.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc tăng giờ làm thêm của người lao động phải được xem xét dựa trên phản ứng của dư luận xã hội, người lao động như thế nào, nhu cầu thực tế của doanh nghiệp ra sao. Đặc biệt cần được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng dựa trên sức khỏe của người lao động khi bị mắc Covid-19, ảnh hưởng của hậu Covid-19 cũng như tỷ lệ tái nhiễm bệnh ra sao.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, hiện nay, "hậu COVID-19" đang là vấn đề lớn đặt ra và không phải người lao động nào sau khi khỏi COVID-19 cũng có thể duy trì được trạng thái sức khỏe, tâm lý tốt để bắt tay ngay vào làm việc. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần cân nhắc bảo đảm hài hòa lợi ích, giữa lợi ích trước mắt về kinh tế và lợi ích lâu dài về sức khỏe của người lao động trong giải quyết bài toán thiếu hụt lao động hiện nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.
Đồng thuận với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, việc nâng trần thời gian làm thêm giờ cần phải chú ý tới vấn đề sức khỏe của người lao động và chất lượng cuộc sống của người lao động, để người lao động có điều kiện chăm sóc gia đình, chăm sóc con cái. Chúng ta cũng có nhu cầu rất lớn của người sử dụng lao động là người lao động tăng ca, có thêm sản phẩm để giải quyết các đơn hàng tồn đọng trong dịch COVID-19. Thế nhưng, cũng do dịch COVID-19 thì sức ép của người lao động đối với việc chăm sóc gia đình, học hành của con cái cũng rất lớn. Vì vậy, phải nhìn một cách toàn diện trong vấn đề này.
Cho rằng việc tăng thêm giờ thì cần tính toán kỹ lưỡng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu quan điểm: Doanh nghiệp muốn tăng năng suất lao động là phải cải tiến khoa học kỹ thuật, công nghệ, chuyển đổi mô hình vào sản xuất, kinh doanh. Chúng ta không thể đánh đổi sức khỏe và tính mạng của người dân để lấy tăng trưởng và phải đảm bảo tăng lương, giảm giờ làm. Thời gian làm việc cần dựa trên quan điểm của người sử dụng lao động, người lao động và cơ sở khoa học về giờ làm theo tháng, theo năm đã được nghiên cứu khoa học. Do đó, có thể tăng thêm giờ làm việc không quá không quá 60 giờ/tháng. Còn việc tăng giờ làm lên 72 giờ/tháng là phải trên nhiều yếu tố tác động, cả về ý nghĩa chính trị, ý nghĩa xã hội và bản chất của chế độ Xã hội Chủ nghĩa cũng như đảm bảo cho lợi ích của người lao động.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ quan điểm.
Phát biểu Kết luận về nội dung của Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh Ủy ban Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan tham gia quá trình tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, trong một thời gian ngắn đã tổ chức nghiên cứu và phối hợp rất chặt chẽ, hiệu quả. Qua thảo luận, ý kiến của các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu Kết luận Phiên họp.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết với 100% thành viên tán thành. Theo đó, về số giờ làm thêm trong 1 tháng, Nghị quyết nêu rõ nếu khi người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn giao Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật và các cơ quan có liên quan rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi trình ký chứng thực; trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành./.