ĐOÀN GIÁM SÁT HỘI ĐỒNG DÂN TỘC LÀM VIỆC VỚI CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CÓ LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC DÂN TỘC

09/03/2022

Sáng 09/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc làm việc với Chính phủ về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Nie Kđăm - Trưởng Đoàn giám sát và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Hầu A Lềnh chủ trì hội nghị.

 

Toàn cảnh Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc tổ chức cuộc làm việc để nghe Chính phủ báo cáo chuyên đề giám sát “Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021.”

Tham dự buổi làm việc về phía Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc có Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân - Phó Trưởng Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan và các thành viên Thường trực, chuyên trách của Hội đồng Dân tộc, lãnh đạo, chuyên viên Vụ Dân tộc.

Về phía Chính phủ còn có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải, lãnh đạo các Vụ của Ủy ban Dân tộc…

Về phía các chuyên gia tham Đoàn giám sát còn có: nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Trần Thị Dung, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát Y Thanh Hà Nie Kđăm phát biểu khai mạc cuộc làm việc.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng Đoàn giám sát Y Thanh Hà Nie Kđăm cho biết, giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016 - 2021 nhằm rà soát, đánh giá tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; việc tuân thủ các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành, hình thức văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực dân tộc của Chính phủ, bộ ngành liên quan từ năm 2016 - 2021. Từ đó, đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, cá nhân trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực dân tộc và có đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực dân tộc.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Nie Kđăm nêu rõ, Hội nghị sẽ nghe báo cáo của Chính phủ, ý kiến của thành viên Đoàn giám stas, trao đổi của các chuyên gia về nội dung báo cáo để làm rõ hơn các yêu cầu mà Đoàn giám sát đã đặt ra. Từ đó thống nhất một số nội dung phục vụ cho việc hình thành dự thảo báo cáo tổng hợp của Đoàn giám sát sau khi tiến hành làm việc với các bộ, ngành liên quan.

Chất lượng thực hiện các chính sách dân tộc còn chưa đồng đều, có nơi chưa hiệu quả

Thừa ủy quyền của Chính phủ, báo cáo việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, việc triển khai, tổ chức thực hiện quy định của Hiến pháp, luật, Nghị quyết của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời thể chế, cụ thể hoá, quy định chi tiết:

- Chính phủ đã ban hành:

+ 20 Nghị định của Chính phủ, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để quy định chi tiết các Điều, khoản, điểm được giao trong Luật, Pháp lệnh có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021;

+ 01 Nghị quyết của Chính phủ, 15 Nghị định, 8 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021;

+ 56 Nghị định có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021;

+ 17 Quyết định có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021;

- Các Bộ, ngành đã ban hành:

+ 02 Thông tư để quy định chi tiết các Điều, khoản, điểm được giao trong Luật, Pháp lệnh có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021;

+ 125 Thông tư có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021.

Chất lượng các văn bản pháp luật quy định về chính sách dân tộc và công tác dân tộc ngày càng được nâng cao, từng bước bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, tạo khuôn khổ pháp lý cho những bước phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Từng bước thay đổi cách tiếp cận trong xây dựng chính sách dân tộc theo hướng chuyển dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ sang hỗ trợ cho cộng đồng, nhóm hộ, hỗ trợ người dân tự vươn lên thoát nghèo; tích hợp dần các chính sách vào các chương trình mục tiêu quốc gia với cơ chế quản lý thống nhất, tập trung nguồn lực, phân cấp mạnh hơn cho địa phương.

Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh báo cáo việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021.

Hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực dân tộc chủ yếu được thể chế hóa bằng các văn bản dưới luật do nhiều cơ quan nhà nước ban hành, trong đó, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP là văn bản pháp lý cao nhất về lĩnh vực dân tộc hiện nay.

Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc. Những chính sách liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi nằm rải rác ở nhiều văn bản, chưa thể hiện rõ tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, thiếu đồng bộ. Tính ổn định, tính dự báo chưa cao và tính khả thi của một số chính sách dân tộc còn thấp.

Mặc dù chính sách dân tộc được ban hành nhiều, tương đối phủ kín các lĩnh vực, nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế, việc thực hiện một số chính sách còn rời rạc, bị chia cắt, manh mún và dàn trải; nhiều chính sách chưa đạt được mục tiêu đề ra. Chất lượng thực hiện các chính sách dân tộc còn chưa đồng đều, có nơi chưa hiệu quả (ví dụ: chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng đồng bào DTTS và miền núi còn thấp...).

Tình trạng chậm/chưa ban hành các văn bản quy định chi tiết theo thẩm quyền ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tổ chức triển khai thực hiện chính sách dân tộc và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số cũng như tình hình kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi. Việc ban hành chậm các văn bản sẽ ảnh hưởng trực tiếp như: Thông tư số 07/2018/TT-BYT, ngày 12/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ ảnh hưởng đến việc bán thêm thuốc tại quầy thuốc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nêu rõ, việc chậm/chưa xây dựng ban hành văn bản quy định chi tiết của cơ quan, tổ chức, cá nhân về lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở chỉ ra từ lâu và thường xuyên, tuy nhiên mức độ chuyển biến còn chậm, gây bức xúc trong nhân dân. Nguyên nhân do một Luật, Pháp lệnh nhưng ban hành quá nhiều văn bản hướng dẫn, các văn bản lại do các Bộ, ngành khác nhau chủ trì xây dựng. Đây cũng là một lý do khiến việc ban hành các văn bản hướng dẫn kéo dài thời gian, nội dung chồng chéo.

Bên cạnh việc chỉ ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan của những tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cũng đã đúc kết một số bài học kinh nghiệm để bảo đảm công tác dân tộc được thực hiện nhất quán, từ trên xuống. Trong đó nhấn mạnh cần phải có khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cho đến từng cộng đồng, người dân. Thống nhất quan điểm, nhận thức về tầm quan trọng của công tác dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, từ nhận thức đó, phải đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, đảm bảo thiết thực và phù hợp với địa bàn, đặc điểm sinh hoạt, tập quán của đồng bào DTTS. Ngoài ra phải mở ra cơ chế thuận lợi để tranh thủ các nguồn lực từ các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế đầu tư cho vùng DTTS&MN theo hướng bền vững…

Chỉ ra trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết liên quan đến công tác dân tộc

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và cho rằng Báo cáo của Chính phủ đã nghiên cứu theo đúng tinh thần của đề cương giám sát, báo cáo khá đầy đủ các nội dung theo yêu cầu cuả Đoàn giám sát đề ra.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân đề nghị cần đánh giá cụ thể tình trạng chậm hoặc chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc.

Góp ý vào Báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cho biết, đây là lần đầu tiên Hội đồng Dân tộc thực hiện chuyên đề giám sát sâu với khoảng thời gian dài 5 năm. Cho rằng Báo cáo chưa đáp ứng hoàn toàn yêu cầu đặt ra của đề cương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân nêu rõ, qua rà soát, có 7 Nghị quyết của Quốc hội chưa được Chính Phủ ban hành quy định chi tiết và triển khai thực hiện. Những nhận xét, đánh giá về văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách dân tộc vẫn còn chung chung. Tình trạng chậm hoặc chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc chưa được đánh giá kỹ, cụ thể. Do đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân đề nghị cần bổ sung thêm vào báo cáo cũng như đánh giá tác động ảnh hưởng đến công tác dân tộc như thế nào. Đại biểu cũng đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân chủ quan của những tồn tại, hạn chế trong việc chậm ban hành văn bản, đồng thời cần tham vấn ý kiến của các chuyên gia từ khâu xây dựng kế hoạch và đề cương.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Lưu Văn Đức đề nghị Chính phủ cần có trách nhiệm hơn trong việc theo dõi, đôn đốc các cơ quan ban ngành quy định chi tiết, hướng dẫn để luật đi vào cuộc sống, đề nghị nêu rõ trách nhiệm của từng bộ ngành xảy ra tình trạng chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc.

Bên cạnh việc đồng tình với Báo cáo của Chính phủ về những hạn chế, bất cập, bài học kinh nghiệm cũng như những đề xuất, kiến nghị, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến đề nghị cần làm rõ quy định chi tiết các Điều, khoản, điểm được giao trong Luật, Pháp lệnh có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021…Vẫn còn có một số các Điều, khoản, điểm khác chưa được quy định cụ thể. Đại biểu cho rằng báo cáo cần phải nêu nguyên nhân vì sao có nhiều điều, khoản, điểm chưa được quy định chi tiết, từ đó chỉ đạo các cơ quan chức năng ban hành theo thẩm quyền. Đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm xem xét việc ban hành có đáp ứng yêu cầu của pháp luật quy định hay không?

Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ quy định chi tiết các Điều, khoản, điểm được giao trong Luật, Pháp lệnh có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021.

Có ý kiến đại biểu cho rằng, hiện có 5 Nghị định của Chính phủ chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dân tộc trên 10 năm mà chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giáo dục. Đề nghị cần làm rõ Bộ nào, ngành nào tham mưu giúp Chính phủ ban hành Nghị định đó mà lại chậm nhiều năm như vậy, cần đánh giá đầy đủ và nghiêm túc các Nghị định này.

Báo cáo có nêu “Tình trạng chậm/chưa ban hành các văn bản quy định chi tiết theo thẩm quyền ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tổ chức triển khai thực hiện chính sách dân tộc”, đại biểu đề nghị cần đánh giá việc chậm này ảnh hưởng như thế nào, tác động ra sao, mong muốn Chính phủ quan tâm, sát sao hơn nữa việc chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết. Đồng thời Báo cáo phải chỉ rõ nguyên nhân chậm ban hành là vấn đề gì, khó khăn, vướng mắc do đâu, phải có cơ quan chịu trách nhiệm, trách nhiệm thuộc về ai, cơ quan nào chậm nhiều như vậy? Từ đó, các bộ ngành phải có thay đổi, đề xuất được giải pháp khắc phục tình trạng trên.

Có ý kiện đề nghị Đoàn giám sát và Chính phủ cần thống nhất các văn bản để tiến hành giám sát, xác định trọng tâm, xem xét tính hiệu quả và tính phù hợp của chính sách dân tộc, đồng thời rà soát lại những nội dung nào không quy định và không tác động trực tiếp đến đồng bào dân tộc thiểu số thì không đưa vào báo cáo, đề nghị các bộ, ngành bổ sung thêm Văn bản dưới luật như hướng dẫn, Thông tư theo thẩm quyền. Mặc dù Báo cáo phân tích được những mặt tồn tại, hạn chế hiện nay nhưng cần đưa ra được giải pháp và lộ trình khắc phục trong thời gian tới.

Cũng tại cuộc làm việc Chủ nhiệm, Bộ trưởng Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Hầu A Lềnh giải trình, làm rõ một số nội dung Đoàn giám sát nêu và cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, các đại biểu, các chuyên gia để hoàn thiện Báo cáo gửi lại Hội đồng Dân tộc. 

Đánh giá tác động ảnh hưởng và cụ thể hóa trách nhiệm của cơ quan ban hành văn bản

Kết luận cuộc làm việc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Nie Kđăm cho biết, đây là đầu tiên Hội đồng Dân tộc thực hiện giám sát chuyên đề “việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021”, nội dung khó nên cơ quan của Chính phủ cũng gặp khó khăn trong việc thực hiện Báo cáo trung tâm. Báo cáo Chính phủ được chuẩn bị công phu nghiêm túc, báo cáo gửi đúng tiến độ thời gian, cơ bản thể hiện đầy đủ nội dung theo yêu cầu, thấy được kết quả công tác dân tộc trong giai đoạn 2016-2021, nêu ra các hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề xuất kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Nie Kđăm đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần đánh giá tác động ảnh hưởng và cụ thể hóa trách nhiệm của cơ quan ban hành văn bản liên quan đến công tác dân tộc. Đồng thời đề nghị Ủy ban Dân tộc hoàn thiện báo cáo gửi lại Hội đồng Dân tộc đúng thời hạn.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Nie Kđăm cho rằng, một số nội dung của Báo cáo chưa đạt yêu cầu nên cần chuẩn bị lại theo nguyên tắc rõ ràng và thể hiện được trách nhiệm của từng bên trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chính sách dân tộc. Do vậy, đề nghị cần bám sát đề cương về sự phù hợp giữa hình thức và nội dung văn bản, sự thống nhất giữa văn bản quy phạm pháp luật hiện hành với văn ban quy phạm pháp luật mới ban hành.

Đề nghị Uỷ ban Dân tộc thừa ủy quyền Chính phủ xem xét, làm rõ thêm một số nội dung các văn bản quy định chi tiết có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021. Thời gian quy định chi tiết chậm liên quan đến việc thực hiện như thế nào, một số nội dung chưa quy định chi tiết, trách nhiệm ra sao.

Đề nghị Báo cáo cền nêu cụ thể, rõ ràng hơn, đánh giá tổng thể tác động của từng chính sách liên quan đến công tác dân tộc. Cần nhìn nhận các chính sách dân tộc đã được triển khai trong thời gian qua, xem xét tính phù hợp trong giai đoạn hiện nay, có cần điều chỉnh, sửa đổi gì không. Báo cáo chưa cụ thể hóa trách nhiệm của các cơ quan ban hành, đề nghị cần làm rõ hơn cơ quan nào làm tốt, chưa tốt, thể hiện rõ nội dung này trong báo cáo.

Bên cạnh việc làm rõ hơn về hạn chế và nguyên nhân trong báo cáo, Chủ tịch Hội đề nghị cần làm rõ tiêu chí đánh giá, phạm vi của các văn bản quy phạm pháp luật và cho biết, Hội đồng Dân tộc sẽ thống nhất lại với Ủy ban Dân tộc về tiêu chí đánh giá và Ủy ban Dân tộc hoàn thiện báo cáo gửi lại Hội đồng Dân tộc đúng thời hạn./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung đề nghị đánh giá việc chậm ban hành văn bản ảnh hưởng như thế nào, tác động ra sao, mong muốn Chính phủ quan tâm, sát sao hơn nữa việc chậm ban hành các văn bản quy định chi tiết. 

Nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền kiến nghị cần xác định nguyên nhân ban hành văn bản chậm, trách nhiệm của các Bộ ngành tham mưu cho Chính phủ.như thế nào.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương đề nghị Đoàn giám sát và Chính phủ cần thống nhất các văn bản để tiến hành giám sát, xác định trọng tâm, xem xét tính hiệu quả và tính phù hợp của chính sách dân tộc.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị rà soát lại những nội dung nào không quy định và không tác động trực tiếp đến đồng bào dân tộc thiểu số thì không đưa vào báo cáo.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry cho biết, mặc dù Báo cáo phân tích được những tồn tại, hạn chế hiện nay nhưng cần đưa ra được giải pháp và lộ trình khắc phục trong thời gian tới.

Bích Ngọc - Minh Thành