ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC LÀM VIỆC VỚI CÁC BỘ VỀ VIỆC BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC DÂN TỘC

07/03/2022

Chiều 07/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016-2021. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành - Trưởng Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.

 

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự cuộc làm việc còn có Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan; Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Bế Trung Anh; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Dân tộc Trương Thị Ngọc Ánh; Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Lê Ngọc Thành; Nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền.

Về phía các bộ ngành của Chính phủ có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, đại diện các Cục thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Lâm Thành cho biết, cuộc làm việc nhằm đánh giá hệ thống công tác dân tộc và những vấn đề đặt ra trong yêu cầu đổi mới, đặc biệt theo tinh thần Nghị quyết số 88 của Quốc hội năm 2019. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, trên cơ sở xem xét yêu cầu của luật, Nghị quyết của Quốc hội, đánh giá việc triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành liên quan nhằm đảm bảo số lượng, tiến độ thực hiện, đảm bảo chất lượng, đặc biệt là tính hiệu quả và tính khả thi của các chính sách này. Qua đó có rà soát, đánh giá, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ các vấn đề liên quan cũng như rà soát, cơ cấu lại chính sách sao cho phù hợp với công tác dân tộc trong giai đoạn mới.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành - Trưởng Đoàn giám sát phát biểu khai mạc cuộc làm việc

Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cần đánh giá rõ hơn từng nhóm vấn đề

Báo cáo tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016 – 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không trực tiếp ban hành các văn bản pháp luật liên quan về công tác dân tộc. Bộ đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan liên quan xây dựng, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành một số văn bản pháp luật về đầu tư, trong đó có nội dung ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong lĩnh vực đầu tư, huy động nguồn lực: các chính sách, cơ chế của Đảng, Nhà nước như Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm, thúc đẩy đầu tư cho các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và có nhiều huyện nghèo, biên giới, miền núi, vùng dân tộc thiểu số…, đảm bảo tương quan hợp lý giữa các địa phương, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số với các vùng miền khác trong cả nước.

Pháp luật hiện hành về công tác dân tộc đã cơ bản định hình khung pháp lý gồm các nội dung cơ bản, cần thiết và khá toàn diện, bao quát nhiều lĩnh vực từ phát triển kinh tế đến giáo dục, y tế, văn hóa, công tác cán bộ…, tạo tiền đề vững chắc cho các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan triển khai, thực thi các chính sách dân tộc, các chương trình, dự án, đề án cụ thể cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho giai đoạn vừa qua.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông báo cáo tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016 – 2021 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cũng chỉ ra một số điểm tồn tại như: một số chính sách chỉ quy định khung pháp lý và định hướng mang tính tổng quát, chưa quy định cụ thể và thực sự tập trung, gắn với giải pháp triển khai và thực hiện nhất định nên chưa thực sự đủ mạnh để cụ thể hóa các chính sách và thực sự đi vào cuốc sống. Nhiều chính sách có liên quan hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay còn phân tán, chủ yếu được thực hiện gắn với các chính sách khác nên hiệu quả chưa cao, còn dẫn tới nhiều cách hiểu trong triển khai, áp dụng.

Một số chính sách có cơ chế quản lý, vận hành riêng nên gặp khó khăn trong lồng ghép, huy động, sử dụng và quản lý nguồn lực hoặc được ban hành nhưng thiếu nguồn lực để triển khai, chưa thực sự phát huy nội lực của các đối tượng thụ hưởng dẫn tới không đảm bảo được mục tiêu, nhiệm vụ như chủ trương, định hướng đã đề ra, làm giảm tính hiệu lực, hiệu quả.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Đinh Thị Phương Lan cho rằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về các chỉ tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn và dài hạn thiếu tính ổn định...

Tại cuộc làm việc, một số ý kiến cho rằng, hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến công tác dân tộc được ban hành trên nhiều lĩnh vực, cơ bản phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành, đảm bảo thẩm quyền ban hành. Tuy nhiên, nhiều văn bản dưới luật và hệ thống chính sách liên quan đến thủ tục đầu tư nằm rải rác trong nhiều văn bản, chưa thể hiện rõ tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn; tính ổn định, tính dự báo, tính khả thi của chính sách dân tộc chưa cao; việc bố trí kinh phí, nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc chưa đạt mục tiêu đề ra; một số chính sách liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa quy định cơ chế, chính sách ưu đãi.

Hệ thống pháp luật về quy hoạch còn hạn chế cũng ảnh hưởng đến quy hoạch liên quan đến dân cư vùng sâu vùng xa… đồng thời ảnh hưởng đến quy hoạch của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về các chỉ tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn và dài hạn thiếu tính ổn định, do đó một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá sao cho phù hợp trong thời gian tới, đặc biệt các chỉ tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Có ý kiến cho rằng cần có tiêu chí, kiểm đếm, phân định thành phần dân tộc thiểu số, bởi bộ tiêu chí này đến nay không còn phù hợp và còn nhiều vướng mắc, cần có nghiên cứu để có bộ tiêu chí phù hợp với hoàn cảnh mới, bối cảnh mới.

Các đại biểu tham dự cuộc làm việc

Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng ý kiến của các đại biểu rất xác đáng, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, xem xét để bổ sung vào Báo cáo cũng như cung cấp thêm các phụ lục liên quan, tiếp tục hoàn thiện các chính sách trong thời gian tới như việc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định 31, 35…); các Nghị định 82, Nghị định 57 cụ thể hóa các nguyên tắc, ưu đãi đầu tư.

Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành nêu rõ, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình chuẩn bị. Tuy nhiên Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, về mặt hình thức cần phải đảm bảo cấu thành hạng mục yêu cầu, đi kèm các phụ lục liên quan cũng cần được hoàn thiện, bổ sung đầy đủ hơn. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị cần đánh giá rõ từng nhóm vấn đề: cụ thể hóa chính sách, nguồn lực đầu tư, cơ chế đặc thù để quản lý đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời tiếp tục chuẩn bị, điều chỉnh lại Báo cáo này, những chính sách nào không liên quan trực tiếp đến dân tộc thì không đưa vào Báo cáo để kiểm đếm, đánh giá vấn đề sát với thực tiễn, thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cần đánh giá rõ hơn về nội dung chính sách

Báo cáo việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016 – 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, Bộ đã tích cực, chủ động và kịp thời trong công tác, chỉ đạo, xây dựng và tham mưu ban hành, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về các lĩnh vực phụ trách liên quan đến công tác dân tộc trong những năm qua. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành khá đầy đủ, kịp thời; cơ chế chính sách tiếp tục được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hơn, tạo hành lang pháp lý và môi trường chính sách thuận lợi hơn. Kết quả thực hiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cả về vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc giai đoạn 2016 – 2021 

Đại diện Bộ NN&PTNT cũng chỉ ra hạn chế, vướng mắc trong việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc. Cụ thể, hiện hầu hết các chính sách có phạm vi áp dụng trên cả nước, không phân định riêng cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chỉ một số chính sách có nhấn mạnh việc ưu tiên các đối tượng này; Giai đoạn 2016-2020 chưa có tiêu chí phân định rõ vùng dân tộc thiểu số và miền núi dẫn đến việc hướng dẫn triển khai, phân bổ còn chồng chéo, không tập trung; Trong quá trình triển khai, thực thi các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật do xuất phát điểm của vùng dân tộc thiểu số và miền núi thấp, đồng bào sinh sống ở vùng sâu vùng xa, sống phân tán, mặt bằng dân trí chưa cao, cơ sở hạ tầng kém... nên kết quả còn hạn chế…

Cho ý kiến tại buổi làm việc, các đại biểu đánh giá cao việc rà soát các văn bản liên quan đến công tác dân tộc của Bộ NN&PTNT. Cho rằng các định mức và chính sách hỗ trợ trồng rừng, bảo vệ rừng, đa dạng hóa sinh kế chưa thực sự hiệu quả và chưa đáp ứng được yêu cầu, một số đại biểu đề nghị bộ đánh giá lại hiện trạng chính sách trong gịa đoạn vừa qua để có định hướng trong giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách riêng đặc thù, khuyến khích phát triển nông, lâm nghiệp, nông thôn cho đồng bào dân tộc thiểu số,

OCOP là điểm sáng của nông nghiệp trong những năm gần đây, tuy nhiên có ý kiến đại biểu cho rằng, những chính sách liên quan đến thương mại hóa sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khoảng cách xa với thị trường, đề nghị cần có phân tích, đánh giá để tìm đầu ra cho sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết mở rộng thị trường.

Có ý kiến cho rằng, các lĩnh vực thuộc Bộ NN&PTNT liên quan đến công tác dân tộc có nội dung nào chưa được quy định thì Báo cáo của Bộ cần chỉ rõ. Đồng thời rà soát thêm văn bản liên quan đến đầu tư nông nghiệp, phát triển nông thôn. Các đại biểu đề nghị thời gian tới, Bộ tiếp tục nghiên cứu để có hướng dẫn cụ thể hơn đối với vùng dân tộc thiểu số, khuyến khích phát triển ngành nghề như thế nào, cơ chế chính sách cụ thể là gì.

Để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới, Bộ NN&PTNT cần có Thông tư hướng dẫn cụ thể hơn nhằm hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp, thu hút đầu tư đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Cần có cơ chế rõ hơn cho việc phát triển hợp tác xã cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Lưu ý việc duy trì, tiếp tục nâng cao chất lượng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số như thế nào trong thời gian tới, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để việc ban hành chính sách văn bản pháp luật đi vào thực tiễn hơn.

Đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu và cho biết Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu, bổ sung thêm các nội dung còn thiếu, tiếp tục hoàn thiện Báo cáo.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đánh giá cao nỗ lực, cố gắng và quá trình chuẩn bị của Bộ NNPTNT 

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đánh giá cao nỗ lực, cố gắng và quá trình chuẩn bị của Bộ NN&PTNT đối với Báo cáo. Đồng thời đề nghị đánh giá kỹ hơn về số lượng văn bản, tiếp tục đối chiếu, rà soát, cần chỉ văn bản chính sách nào trực tiếp liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, văn bản quy định chung cho cả nước... để tách bạch, tránh trùng lắp. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị bổ sung thêm các luật như: Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, Luật Thủy sản, Luật Phòng chống thiên tai… có nội dung liên quan đến vấn đề chính sách dân tộc cần được cụ thể hóa, rõ ràng hơn.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị đánh giá rõ hơn vấn đề chính sách bảo vệ rừng, dịch vụ môi trường rừng, bảo vệ đa dạng sinh học; chỉ ra được những tồn tại, khó khăn, hạn chế, định hướng trong thời gian tới; cần làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến Bộ NN&PTNT. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng kiến nghị cần xem xét thêm vấn đề tái định cư, các chính sách sao cho phù hợp, đánh giá rõ hơn vấn đề OCOP - liên kết tiêu thụ sản phẩm, bài toán về thị trường và đầu ra cho sản phẩm đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi…

Đối với các nội dung nêu trên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị Bộ NN&PTNT đánh giá rõ hơn về nội dung chính sách để Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc có thêm cơ sở, căn cứ để bàn thảo, điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tiễn và các chính sách thực sự đi vào cuộc sống./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Các đại biểu tham dự cuộc làm việc

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Bế Trung Anh đề nghị cần có tiêu chí, kiểm đếm, phân định thành phần dân tộc thiểu số, cần có nghiên cứu để có bộ tiêu chí phù hợp với hoàn cảnh mới, bối cảnh mới.

Nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền đề nghị Bộ KH&ĐT nghiên cứu sâu về chất lượng ban hành văn bản như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư… đặt ra những vấn đề liên quan đến công tác dân tộc thiểu số miền núi và cần cụ thể hóa hơn nữa những văn bản này.

Ủy viên Hội đồng Dân tộc Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục nghiên cứu để có hướng dẫn cụ thể hơn đối với vùng dân tộc thiểu số, khuyến khích phát triển ngành nghề như thế nào, cơ chế chính sách cụ thể là gì

Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu liên quan đến chính sách dịch vụ môi trường rừng; chính sách bảo vệ rừng; chính sách hỗ trợ gạo...

 Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Mai Hiên giải trình làm rõ một số vấn đề Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc nêu.

Đại diện Bộ NN&PTNT giải trình, làm rõ một số vấn đề liên quan đến OCOP và nông thôn mới.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức