Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Công thương
Qua xem xét báo cáo, Phó Trưởng Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Đoàn giám sát của Quốc hội nhận thấy nổi lên 4 vấn đề.
Một là, việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương. Chính phủ đã ban hành Nghị định 37/2019/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Quy hoạch. Đoàn giám sát nhận thấy các Bộ đã rất tích cực hỗ trợ các địa phương để xây dựng quy hoạch tỉnh. Bộ Công thương đã ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết quy hoạch tỉnh, tuy nhiên dưới dạng công văn, không đúng với quy định của Luật. Do đó, Chính phủ đã ra văn bản để thu hồi các văn bản trên. Đoàn giám sát đề nghị có trao đổi, làm rõ tình hình việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện, nguyên nhân...
Làm rõ việc phối hợp với các Bộ, ngành địa phương, trong đó, liên quan đến quy hoạch phát triển thương mại, quy hoạch các cụm công nghiệp ở các địa phương gắn với quy hoạch tỉnh; phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh…là những nội dung quan trọng đòi hỏi Bộ Công thương phải đôn đốc, đồng hành, hỗ trợ các địa phương. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện quy hoạch còn những nội dung nào còn ý kiến khác nhau, cơ sở ban hành, thẩm quyền ban hành. Làm rõ quy trình lập quy hoạch tỉnh và vai trò của Bộ Công thương theo quy định tại Điều 16 và Điều 19 của Luật Quy hoạch.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu tại buổi làm việc
Hai là, về quy hoạch phát triển điện lực, Bộ Công thương có báo cáo bổ sung, song cũng cần làm rõ thêm việc điều chỉnh quy hoạch điện lực.
Đối với quy hoạch điện lực giai đoạn 2011-2020, có rất nhiều lần điều chỉnh quy hoạch điện, bổ sung các dự án điện. Bộ Công thương thì cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch cục này không thay đổi quan điểm, mục tiêu, định hướng của quy hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng đặt câu hỏi về tính chính xác của nhận định này. Bởi như khi bổ sung các dự án điện nguồn tăng lên liệu có đồng bộ với hệ thống truyền tải không; ảnh hưởng đến đời sống người dân, phương án bảo vệ môi trường, phối hợp với các bộ ngành để đánh giá tác động khi điều chỉnh quy hoạch điện.
Liên quan đến việc phê duyệt bổ sung, điều chỉnh một số quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ của giai đoạn 2016-2020, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho rằng chưa thực sự phù hợp, chưa xin ý kiến các cơ quan có liên quan, công suất điều chỉnh vượt quá quy định được phê duyệt. Đây cũng là vấn đề Đoàn giám sát đề nghị có giải trình làm rõ thêm nhất là về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đặc biệt quan tâm đến Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 hay còn gọi là Quy hoạch điện 8. Đoàn giám sát đề nghị làm rõ phương pháp lập; việc cập nhật kết quả điều chỉnh của quy hoạch thời kì trước và xử lý như thế nào khi xây dựng quy hoạch mới, có khắc phục được tình trạng điều chỉnh, bổ sung quá nhiều như trước đây không?
Ba là về Quy hoạch khai thác chế biến khoáng sản, Đoàn giám sát đề nghị báo cáo rõ hơn phương pháp lập các quy hoạch, ưu điểm, hạn chế, giải pháp khắc phục và việc công khai minh bạch quá trình tự điều chỉnh quy hoạch khoáng sản, bổ sung điểm mỏ đưa vào khai thác; việc phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong đánh giá tác động khi điều chỉnh quy hoạch; trách nhiệm của các bên trong quản lý khai thác khoáng sản.
Đoàn giám sát cũng đề nghị làm rõ các đề xuất sửa đổi pháp luật; làm rõ cơ sở nào đưa ra điều chỉnh quy hoạch cục bộ, phạm vi điều chỉnh, thẩm quyền điều chỉnh, đánh giá tác động khi điều chỉnh quy hoạch cục bộ, biện pháp để tránh điều chỉnh cục bộ quá nhiều lần.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân báo cáo giải trình làm rõ các vấn đề Đoàn giám sát quan tâm
Báo cáo làm rõ những vấn đề Đoàn giám sát quan tâm, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết một phần nguyên nhân của việc tiến độ chậm các quy hoạch là do lỗi chủ quan là năng lực trình độ chưa đáp ứng yêu cầu; cùng với việc những nội dung do ngành chủ quản là những nội dung rộng, chuyên sâu, phức tạp và cũng có những vấn đề chưa đáp ứng yêu cầu dự báo.
Về tiến độ, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết trong quý 1/2022 sẽ cơ bản hoàn thành được quy hoạch về điện lực và quy hoạch về khoáng sản. Quy hoạch năng lượng gắn với quy hoạch điện nên có thể sẽ xong trong quý 2.
Thứ trưởng Bộ Công thương cũng chia sẻ, việc triển khai lập các quy hoạch chủ yếu vướng ở giai đoạn đầu nhưng đến nay sau khi làm việc, trao đổi giữa các bên, các bộ, các địa phương và bên tư vấn thì không còn cần văn bản hướng dẫn nữa mà chủ yếu thực hiện theo quy trình, lấy ý kiến đóng góp. Quy hoạch của các tỉnh đều cơ bản sắp hoàn thành, tiến đến quy hoạch vùng. Vì vậy, Chính phủ đã thống nhất ra Nghị quyết xác định mục tiêu thời hạn hoàn thành các quy hoạch chậm nhất là cuối tháng 12/2022.
Về việc bãi bỏ quy hoạch ngành với 27 quy hoạch sản phẩm, dịch vụ, Bộ đã rà soát các tiêu chuẩn quy chuẩn thực chất là công tác chuyển giao công cụ quản lý mới, đồng thời kiến nghị các chiến lược. Trong đó có các chiến lược liên quan đến phát triển công nghiệp, chiến lược phát triển thương mại, trong chiến lược thương mại có hai chiến lược cụ thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là chiến lược thương mại trong nước và chiến lược xuất nhập khẩu. Như vậy thực tế đã có những cơ sở để hoạch định, đinh hướng phát triển các ngành lĩnh vực.
Về kiến nghị sửa luật điều chỉnh cục bộ quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Công thương làm rõ đề xuất này xuất phát từ thực tiễn để điều chỉnh cục bộ nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc và cẩn trọng với quy định trình tự thủ tục tương tự như lập quy hoạch mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận buổi làm việc
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch, Bộ Công thương đã chú trọng rà soát văn bản, rà soát quy hoạch hết hiệu lực và phối hợp với các bộ ngành. Tuy nhiên cả 5 quy hoạch ngành quốc gia thuộc nhiệm vụ của đều chưa được phê duyệt, chậm tiến độ và đến nay vẫn đang chạy nước rút. Do đó, Đoàn giám sát lo lắng đến chất lượng của quy hoạch và lưu ý trong quá trình thực hiện phải đặt chất lượng lên hàng đầu, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Đoàn giám sát đề nghị Bộ Công thương tập trung chỉ đạo phân công trách nhiệm cụ thể thực hiện quy hoạch, đảm bảo mốc thời gian theo quy định; quan tâm bảo đảm tư vấn tham vấn, thẩm định trong đó thành phần chất lượng Hội đồng thẩm định làm cơ sở cho phê duyệt cần hết sức lưu ý để vừa bảo đảm khoa học, phản biện và thực tế.
Về các quy hoạch cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, quy hoạch về khoáng sản vật liệu xây dựng nhất có tác động xã hội môi trường, các địa phương hiện nay phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về khai thác khoáng sản. Vì vậy cần làm rõ ranh giới quy hoạch khoáng sản với các quy hoạch khác nhất là ở các tỉnh. Đối với quy hoạch tổng thể năng lượng và quy hoạch điện lực phải gắn với thị trường thế giới, việc xây dựng phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch.
Bộ Công thương cũng cần lưu ý đến hệ thống cơ sở dữ liệu, đảm bảo thống nhất, phải có số liệu tương đối chính xác và có căn cứu pháp lý không chỉ quy hoạch mà còn phục vụ đầu tư, phục vụ chiến lược phát triển. Quy hoạch ngành công thương liên quan trực tiếp đến người dân doanh nghiệp nên việc điều chỉnh quy hoạch phải có tính kế thừa, công khai, minh bạch; không mâu thuẫn với quy hoạch được phê duyệt; việc điều chỉnh là vi chỉnh, không làm ảnh hưởng đến tổng thể chung.
Bên cạnh đó, nêu rõ việc Bộ Công thương chậm gửi báo cáo, có báo cáo không đáp ứng yêu cầu đã ảnh hưởng đến chất lượng buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ rút kinh nghiệm và sớm hoàn thiện báo cáo để gửi lại Đoàn giám sát theo đúng quy định./.