Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách Lê Minh Nam nêu rõ cần đánh giá kỹ lưỡng các dự án thành phần để đảm bảo việc sử dụng vốn đầu tư hiệu quả, tiết kiệm
Phối hợp thẩm tra với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về Báo cáo của Chính phủ đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho biết, Quốc hội khóa XI đã thông qua Nghị quyết 38/2004/QH11 ngày 03/12/2004 (Nghị quyết 38) về Chủ trương đầu tư xây dựng Dự án đường Hồ Chí Minh từ năm 2004, sau 9 năm thực hiện, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 66/2013/QH13 điều chỉnh một số nội dung và giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh (gọi tắt là Nghị quyết 66). Đến nay, sau 18 năm thực hiện dự án, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho rằng, việc báo cáo đánh giá tổng thể tình hình thực hiện dự án là rất cần thiết nhằm làm rõ kết quả đạt được, những tồn tại, vướng mắc để có giải pháp khắc phục và rút ra bài học kinh nghiệm khi thực hiện các dự án quan trọng quốc gia trong thời gian tới.
Về tiến độ thực hiện dự án, theo khoản 4 Điều 2 của Nghị quyết 66, với phân kỳ đầu tư: Đến năm 2020, hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe.
Theo đó, Dự án sẽ thông toàn tuyến và bước vào giai đoạn mới với mục tiêu nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, đến năm 2022 mục tiêu thông toàn tuyến vẫn chưa hoàn thành, một số đoạn tuyến đang trong quá trình triển khai, còn dở dang, một số đoạn tuyến chưa triển khai thực hiện. Như vậy, tiến độ thực hiện dự án không bảo đảm theo phân kỳ đầu tư đã quy định tại Nghị quyết của Quốc hội.
Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho rằng, cần làm rõ nguyên nhân chậm trễ trong triển khai thực hiện; đồng thời, đề nghị làm rõ sự cần thiết phải triển khai thực hiện các đoạn tuyến còn lại, vì nếu thực sự cần thiết, trong thời gian 18 năm qua, việc đầu tư các đoạn tuyến phải được ưu tiên bố trí vốn để hoàn thành; làm rõ ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác tuyến đường khi nhiều dự án thành phần còn dở dang, nhiều đoạn tuyến chưa được bố trí vốn để thực hiện và làm rõ tính kết nối của đường Hồ Chí Minh với các tuyến đường huyết mạch khác đã, đang triển khai trong thời gian vừa qua để thấy rõ sự cần thiết phải tiếp tục đầu tư ngay trong giai đoạn này hay cần có phương án mới để tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo quy hoạch mới.
Toàn cảnh phiên họp
Về đánh giá kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, Thường trực Ủy ban cho rằng, nội dung báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh đầy đủ kết quả thực hiện Dự án, thời gian triển khai (có dự án thành phần nào bị chậm tiến độ, đội vốn, tăng chi phí, bố trí vốn dàn trải...). cũng như các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong việc thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 3 của Nghị quyết 66. Nhiều tồn tại, hạn chế đã nêu trong Nghị quyết 66 chưa được khắc phục có hiệu quả, tiếp tục trở thành những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai Nghị quyết 66 tới nay. Vì vậy, đề nghị báo cáo bám sát các nhiệm vụ Quốc hội đã giao Chính phủ triển khai trong Nghị quyết 38 và Nghị quyết 66 để đảm bảo đánh giá đầy đủ, làm cơ sở quan trọng để đánh giả hiệu quả của việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội trong thực tiễn. Bên cạnh đó, để nghị đánh giá toàn diện thực trạng quản lý hành lang an toàn giao thông, quy hoạch và quản lý quy hoạch hai bên đường Hồ Chí Minh, đồng thời, đánh giá cụ thể hiện trạng và dự bảo việc phát huy đường Hồ Chí Minh cùng với Quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông, đường ven biển và các tuyến đường khác để làm cơ sở cho việc xem xét đầu tư, tổng vốn và nguồn vốn đầu tư giai đoạn sau 2020.
Về kế hoạch thực hiện dự án trong giai đoạn tiếp theo, Thường trực Ủy ban đề nghị, cần xác định rõ tiến độ thực hiện dự án đã không đáp ứng được phân kỳ đầu tư theo Nghị quyết số 66 của Quốc hội và xác định rõ thời gian thực hiện là từ năm 2022 để phù hợp với thời điểm hiện tại. Đối với các dự án đang thực hiện dở dang, nhất trí việc xác định yêu cầu phải sớm hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng.
Đối với các đoạn còn lại, theo báo cáo của Chính phủ, hiện tại các đoạn này có nhu cầu vận tải chưa cao, các tuyến song hành vẫn đáp ứng tốt năng lực thông hành, nhưng do chưa hoàn thành mục tiêu đã đề ra nên quyết tâm thực hiện, Thường trực Ủy ban đề nghị cân nhắc vấn đề này do đa số các dự án còn lại đang trong quá trình thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, một số dự án đề nghị chuyển đổi phương thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công, các dự án đầu tư đường giao thông khác đã được triển khai đáp ứng nhu cầu vận tải... Đây là những vấn đề lớn cần đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo việc sử dụng vốn đầu tư phải hiệu quả, tiết kiệm, không hiệu quả thi điều chỉnh mục tiêu, dự án thành phần cụ thể để phù hợp với yêu cầu của thực tế. Mặt khác, theo báo cáo của Chính phủ thì hiện có một số quốc lộ song hành. Do đó, để bảo đảm tiết kiệm, phát huy hiệu quả, thực hiện thông tuyến, đề nghị Chính phủ nghiên cứu báo cáo Quốc hội khả năng điều chỉnh hướng tuyến theo hướng đi trùng với quốc lộ song hành phù hợp.
Ngoài ra, về mục tiêu đến năm 2030 và định hướng sau năm 2030, Thường trực Ủy ban đề nghị cân nhắc, xác định những dự án thành phần cần hoàn thiện để hoàn thành dự án và sớm thực hiện thanh toán, quyết toán dự án theo quy định. Đề nghị cần triển khai, hoàn thành các dự án dở dang và quyết toán các dự án thành phần để sớm kết thúc dự án đường Hồ Chí Minh. Việc tiếp tục đầu tư các dự án thành phần còn lại trong giai đoạn tiếp theo nên nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và thực hiện theo quy trình đối với dự án mới, phù hợp với quy hoạch giao thông; tuân thủ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và phải đặc biệt lưu ý tới việc đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội./.