Nâng mức lương hưu, trợ cấp hằng tháng cho nhiều đối tượng thụ hưởng
Từ tháng 3/2022, một số quy định mới về tiền lương hưu, trợ cấp hằng tháng và tiền lương làm căn cứ tính các chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ có hiệu lực. Dự kiến có hơn 3 triệu người sẽ được hưởng mức lương hưu, trợ cấp mới.
Theo Thông tư 37/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tăng 7,4% so với mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng của tháng 12/2021, thời gian điều chỉnh tính từ 1/1/2022. Đối tượng được điều chỉnh bao gồm: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/3.
Theo các quy định mới, mức lương hưu, trợ cấp của nhiều đối tượng sẽ tăng đến 7,4%
Cùng với đó, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 2/2022/TT-BNV hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc. Theo đó, mức trợ cấp hằng tháng cũng được điều chỉnh từ ngày 1/1/2022 đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc theo Quyết định 130-CP ngày 20/6/1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định 111-HĐBT ngày 13/10/1981 của Hội đồng Bộ trưởng.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng có Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động, cụ thể về nội dung chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Theo đó, tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp tai nạn lao động và tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc điều trị, phục hồi chức năng theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động sẽ được điều chỉnh.
Cụ thể, tiền lương làm căn cứ thực hiện các chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi xảy ra tai nạn lao động hoặc trước khi bị bệnh nghề nghiệp. Nếu thời gian làm việc, học nghề, tập nghề, thử việc, tập sự không đủ 6 tháng thì tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường, trợ cấp là tiền lương được tính bình quân của các tháng trước liền kề thời điểm xảy ra tai nạn lao động hoặc thời điểm xác định bị bệnh nghề nghiệp.
Bảo đảm đời sống người có mức lương hưu thấp trong điều kiện dịch bệnh
Bày tỏ đồng tình ủng hộ chính sách điều chỉnh lương hưu, TS.Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội), cho rằng đây là chủ trương đúng đắn đã được Quốc hội ra nghị quyết, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao. Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, với người về hưu trước năm 1995, mức lương hưu rất thấp, không đủ chi tiêu trong gia đình, lẽ ra việc tăng lương hưu đã được thực hiện từ năm trước, song do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngân sách nhà nước khó khăn nên Đảng và Nhà nước quyết định lùi lại. Đến nay, Đảng, Nhà nước thấy rằng đây là vấn đề cấp thiết, cần được tiến hành ngay để đảm bảo ổn định đời sống của các đối tượng được hưởng lương hưu.
TS.Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân Nhận định mức điều chỉnh tăng 7,4% còn khiêm tốn so với nhu cầu cuộc sống của người về hưu, chưa tương xứng với tốc độ trượt giá, tuy nhiên, việc việc tăng lương hưu trong bối cảnh đất nước còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh rất đáng hoan nghênh
Cho rằng việc điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng là hợp lý trong bối cảnh đời sống của người lao động còn khó khăn, đặc biệt là đối tượng nghỉ hưu, bà Hồ Thị Kim Ngân - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng cần có lộ trình tăng bảo đảm hơn cho những trường hợp hưởng mức lương hưu thấp, cần nghiên cứu phương án về việc điều chỉnh lương hưu làm sao tập trung cho đối tượng đang hưởng lương hưu, trợ cấp dưới mức lương tối thiểu vùng./.