Quyết tâm cao cho kỳ họp bất thường
Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV được tổ chức theo hình thức trực tuyến đã diễn ra ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2022 và được tiến hành trong bối cảnh thực tiễn đất nước đòi hỏi Quốc hội cần phải xem xét, quyết đáp ngay một số vấn đề quan trọng để giải quyết kịp thời những yêu cầu cấp thiết của cuộc sống, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phòng, chống dịch COVID-19. Việc tổ chức Kỳ họp bất thường trên cơ sở pháp lý đầy đủ là quy định tại khoản 2 Điều 83 của Hiến pháp và Điều 90 của Luật Tổ chức Quốc hội.
Tại phiên họp thứ 7 (tháng 01/2022), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV
Với quyết tâm cao, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 2, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt, làm việc với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và yêu cầu các cơ quan đề cao trách nhiệm, chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung được phân công. Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã nâng cao tinh thần trách nhiệm xây dựng và hoàn thiện các dự án, dự thảo. Các Ủy ban của Quốc hội đã tích cực bám sát tiến độ, nội dung trình để thẩm tra, chuẩn bị báo cáo bảo đảm chất lượng và có tính phản biện sâu, thuyết phục cao, bám sát thực tế cuộc sống. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến nhiều lần nhằm bảo đảm sự thận trọng, tính khả thi, hiệu quả trong mỗi quyết sách của Quốc hội.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, ý kiến của cử tri, Nhân dân cả nước và từ tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thống nhất tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Sau 4,5 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công rất tốt đẹp trên mọi phương diện.
Quốc hội đã xem xét, thông qua 01 Luật, 04 Nghị quyết với sự thống nhất cao. Các nội dung được Quốc hội thông qua không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà còn có ý nghĩa quan trọng, chiến lược, không chỉ trong các năm 2022, 2023 mà cho cả những năm tiếp theo và cho cả nhiệm kỳ.
Đạt được kết quả nổi bật
Điểm lại những kết quả của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất cho thấy, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là quyết sách đặc biệt quan trọng nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Việc thông qua Nghị quyết này với gói hỗ trợ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và chỉ thực hiện trong 02 năm 2022-2023 đã cơ bản đáp ứng được mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Quốc hội trong việc đưa nền kinh tế của nước ta sớm vượt qua giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách để vững bước đi lên.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Dự án là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của cả nước, có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Công trình sau khi hoàn thành sẽ kết nối được tới các cảng biển cửa ngõ, các trung tâm kinh tế lớn, bảo đảm phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng lĩnh vực, đồng thời khai thác đồng bộ, hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của quốc gia.
Việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự ngay tại Kỳ họp bất thường, thay vì phải chờ thêm ít nhất 5 tháng nữa theo quy trình làm việc thông thường, có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự nỗ lực, chủ động, quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ trong việc kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn về thể chế, khơi thông các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, vì lợi ích của đất nước, đáp ứng sự mong mỏi của doanh nghiệp và người dân, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.
Tại Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, Quốc hội đã cho phép áp dụng 8 nhóm chính sách, trong đó có 06 nhóm chính sách đã cho phép áp dụng ở một số địa phương trong thời gian vừa qua; có 02 chính sách đặc thù khác, tương thích với đặc điểm riêng của địa phương để nhằm thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển địa phương là chính sách xã hội hóa việc nạo vét cửa biển Định An đến các cảng của thành phố Cần Thơ và chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào Trung tâm liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản nhằm khơi dậy và phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển thành phố Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu là thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, là đô thị hạt nhân của Vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước bên lề phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV
Ngoài ra, với với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV làm cơ sở quan trọng cho việc triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của kỳ họp. Bên cạnh việc yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục thực hiện và ban hành theo thẩm quyền các chính sách, giải pháp kịp thời, khả thi, hiệu quả nhằm bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Quốc hội. Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý phải nâng cao hơn nữa năng lực quản lý nhà nước của ngành y tế, đặc biệt là trách nhiệm quản lý trong lĩnh vực dược và trang thiết bị y tế; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm công, hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám định, kiểm định chất lượng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế để chủ động phát hiện và xử lý sớm các vi phạm, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.
Thành công của kỳ họp cho thấy Quốc hội luôn trăn trở, chủ động, tìm tòi, linh hoạt trong việc đổi mới hoạt động, bám sát hơi thở của cuộc sống để kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước, quyết liệt hành động vì lợi ích của Nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Đồng thời, khẳng định hoạt động của Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu, đoàn kết, dân chủ, gần dân, sát với thực tiễn, có sự kế thừa những kinh nghiệm từ các kỳ họp trước, như việc chuẩn bị từ sớm, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan có liên quan.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, đây là tiền lệ tốt, cần được tiếp tục phát huy để hướng tới một Quốc hội hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp hơn, góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, đáp ứng mục tiêu cao nhất là vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Tiền lệ tốt cho công tác tổ chức kỳ họp
Việc tổ chức theo hình thức trực tuyến cả kỳ là phù hợp trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chương trình kỳ họp được sắp xếp khoa học, linh hoạt, phù hợp, bảo đảm thời gian để đại biểu tham gia góp ý kiến cũng như việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Việc tiếp tục chia 72 Tổ đại biểu Quốc hội đem lại hiệu quả cao; trong đó đã có 913 lượt đại biểu phát biểu tại Tổ trong tổng số gần 1.100 lượt đại biểu phát biểu qua 3 phiên thảo luận Tổ và 4 phiên họp toàn thể trực tuyến. Các đại biểu Quốc hội ở 63 điểm cầu rất tích cực tham gia thảo luận, nêu rõ quan điểm, tập trung vào nội dung của từng vấn đề cụ thể, tranh luận làm rõ nhiều vấn đề, đóng góp cho Quốc hội nhiều ý kiến rất xác đáng. Việc thảo luận ở Tổ cũng diễn ra nghiêm túc, đại biểu tranh luận thẳng thắn, trao đổi nhiều ý kiến chuyên sâu, thiết thực.
Đoàn Chủ tịch làm việc tích cực, trách nhiệm cao. Công tác điều hành của Chủ tọa khoa học, thống nhất, linh hoạt, hiệu quả, sát diễn biến thực tế, bảo đảm lắng nghe được đầy đủ ý kiến đa chiều, đại diện cho các vùng, miền, các tầng lớp Nhân dân, đồng thời, hướng đại biểu đi sâu, làm rõ những vấn đề lớn, trọng tâm, còn bất cập, tồn tại trong thực tiễn để có đầy đủ cơ sở trước khi Quốc hội xem xét, quyết định.
Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có liên quan phát huy tinh thần trách nhiệm, tận dụng tối đa thời gian kỳ họp, làm việc ngày đêm, tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình nghiêm túc, thấu đáo các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đảm bảo chất lượng trình Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì Họp báo công bố kết quả Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV
Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền được triển khai đồng bộ, khoa học, nghiêm túc, đúng định hướng; bảo đảm thông tin rất kịp thời, phong phú, nhiều chiều, chất lượng, hiệu quả, phản ánh sâu rộng, toàn diện, sát diễn biễn kỳ họp trên các phương tiện truyền thông, góp phần đưa các hoạt động của Quốc hội ngày càng gần dân hơn, tạo điều kiện để cử tri cả nước theo dõi, nắm bắt và giám sát hoạt động của đại biểu.
Công tác tham mưu, phục vụ kỳ họp, cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội, ứng dụng công nghệ, công tác tiếp công dân, việc bảo đảm an ninh, an toàn kỳ họp, công tác phòng, chống dịch… và các điều kiện bảo đảm khác đều được chuẩn bị tốt, chu đáo, kịp thời, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trên cơ sở kết quả tổng kết kỳ họp, sẽ chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan và dư luận, cử tri cả nước để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các kỳ họp Quốc hội, trong đó có các kỳ họp bất thường để hoạt động của Quốc hội bắt kịp nhanh hơn với những đòi hỏi của thực tiễn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, xử lý những vấn đề thuộc trách nhiệm của mình cũng như có hình thức khen thưởng đột xuất nhằm kịp thời động viên các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong quá trình tham mưu, phục vụ./.