CẦN LÀM RÕ QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN THẨM QUYỀN ĐỀ NGHỊ KHEN THƯỞNG ĐỐI VỚI ĐBQH CHUYÊN TRÁCH

25/01/2022

Thảo luận tại phiên họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần cân nhắc, đầu tư làm rõ các quy định liên quan đến thẩm quyền đề nghị khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội chuyên trách.

 

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh tại phiên họp

Dự thảo Luật đã bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khoản 1, Điều 77 và Điều 96), thẩm quyền của Tổng Thư ký Quốc hội (khoản 3 Điều 81), bổ sung đại diện lãnh đạo Quốc hội vào thành phần của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương (khoản 2 Điều 87).

Theo đó, Tổng Thư ký Quốc hội trình khen thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước cho đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương do địa phương khen thưởng và đề nghị khen thưởng theo phân cấp về thẩm quyền quản lý đối với cán bộ ở địa phương.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, khen thưởng là việc ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng và khuyến khích đối với cá nhân có thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để nắm bắt, hiểu rõ thành tích của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương cũng như địa phương, thì ngoài cơ quan trực tiếp quản lý đại biểu còn có cơ quan được giao nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác đại biểu.

Quy định như dự thảo Luật chưa thống nhất với thực tiễn phân công công tác của Ban Công tác đại biểu hiện nay. Ban Công tác đại biểu là cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phụ trách theo dõi công tác tổ chức, nhân sự, chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội và các cơ quan Quốc hội. Trong thực tiễn, tất cả khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội đều do Ban Công tác đại biểu đề nghị. Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị, cần cân nhắc và lý giải cụ thể hơn để rõ nội dung liên quan đến giao thẩm quyền đề nghị khen thưởng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương cho Tổng Thư ký Quốc hội, hay cơ quan được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao về công tác đại biểu sao cho bảo đảm tính khoa học, hợp lý và phù hợp với thực tiễn.

Theo khoản 3, Điều 81 dự thảo Luật, Tổng Thư ký Quốc hội trình khen thưởng Huân chương, Huy chương, danh hiệu vinh dự Nhà nước cho đại biểu Quốc hội chuyên trách ở trung ương, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhiều ý kiến băn khoăn, đối với 2 hình thức khen thưởng là Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước, thì đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương có được nhận không? Và nếu có thì cơ quan nào, người có thẩm quyền nào sẽ trình hai hình thức khen thưởng này đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tại phiên họp

Cũng theo khoản 3, Điều 81 dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương do địa phương khen thưởng và đề nghị khen thưởng theo phân cấp về thẩm quyền quản lý đối với cán bộ ở địa phương. Các đại biểu băn khoăn, với quy định ở khoản này, đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương do địa phương khen thưởng thì có loại trừ việc đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương được nhận Kỷ niệm chương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay không? Cơ quan tiếp thu, giải trình, chỉnh lý cần làm rõ mối quan hệ và những quy định thiết kế trong dự thảo Luật như vậy đã bảo đảm hợp lý trong việc phân cấp cũng như triển khai thực hiện hai nội dung này hay chưa?

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị nội dung này cần được đầu tư thêm, vì quy định như dự thảo Luật chưa giải quyết được vấn đề bức xúc của rất nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương thời gian vừa qua. Thực tiễn cho thấy, mặc dù theo Quy định 105-QĐ/TW của Bộ Chính trị là phân cấp quản lý của cấp ủy ở địa phương. Nhưng các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương hầu như không được đề nghị khen thưởng do cấp ủy địa phương không nắm được hoạt động của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương, bởi những đại biểu này thực hiện nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Quốc hội giao liên quan đến hoạt động của Quốc hội. Do đó,  đề nghị, dự thảo Luật cần giải quyết mối quan hệ giữa thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thẩm quyền quản lý địa phương một cách hài hòa; làm rõ ai đề xuất, kiến nghị, ai khen thưởng./.

Thu Phương