QUỐC HỘI THẢO LUẬN TỔ VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA, TIỀN TỆ ĐỂ HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

04/01/2022

Chiều 04/01, theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

 

Tại kỳ họp lần này việc chia tổ thảo luận các nội dung tiếp tục kế thừa kinh nghiệm cải tiến, phát huy hiệu quả tích cực từ kỳ họp trước. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập 72 Tổ đại biểu Quốc hội gồm 10 Tổ tại Nhà Quốc hội là các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương, đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách công tác tại các cơ quan Trung ương ở Hà Nội và Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội và 62 Tổ ở 62 địa phương. Nội dung thảo luận tổ sẽ được Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo Ban Thư ký Quốc hội tổng hợp nhanh, làm cơ sở để cơ quan trình, cơ quan thẩm tra có ý kiến tiếp thu, giải trình bước đầu gửi đại biểu Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng điều hành thảo luận Tổ 03 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, Tp.Hải Phòng, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Sóc Trăng và Kiên Giang

Thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết việc sớm ban hành và triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình kịp thời, tạo sự đột phá, có sức lan tỏa lớn, triển khai nhanh, đúng đối tượng, phù hợp với tình huống đặc biệt sẽ giúp sớm phục hồi nền kinh tế và tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển cho cả giai đoạn 2021-2025 cũng như các năm tiếp theo, không để Việt Nam rơi vào suy thoái kinh tế và suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn, tạo nền tảng cho sự phát triển cả giai đoạn 2021-2025.

Các đại biểu cũng lưu ý việc triển khai cần đưa ra các tiêu chí, nguyên tắc rõ ràng, có các ưu tiên, phân nhóm cụ thể nội dung cần làm ngay, nội dung cần triển khai từng bước để bảo đảm khả thi. Các chính sách hỗ trợ cần rà soát để có sự tiếp nối, kế thừa các chính sách đã triển khai trước đây; cần chú trọng khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn để không xảy ra sai sót, vi phạm, nhất là trong bối cảnh bố trí nguồn lực rất lớn trong khoảng thời gian ngắn. Do đó đề nghị Chính phủ cần có thêm báo cáo giải trình làm rõ một số nội dung, rà soát các dự án trong chương trình để bảo đảm đúng nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Thảo luận tại Tổ 02 gồm các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Tp Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Hải Dương, Quảng Bình, Gia Lai, Vĩnh Long

Bên cạnh đó, các đại biểu khẳng định sự cần thiết tổ chức kỳ họp bất thường lần này để kịp thời quyết định các vấn đề quan trọng, trọng đại của đất nước trong bối cảnh đại dịch COVID-19; đồng thời, nhấn mạnh các vấn đề này nếu được quyết định đúng và trúng sẽ phát huy hiệu quả, tác động lớn đến sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngược lại, nếu quyết định sai hoặc chậm trễ sẽ gây lãng phí và lỡ nhịp cho sự phát triển, khó đạt được mục tiêu chỉ tiêu đề ra.

Các đại biểu đặc biệt đánh giá cao công tác chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp bất thường của Quốc hội. Theo đó, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã vào cuộc từ sớm từ xa, định hướng các mục tiêu, yêu cầu của chính sách. Trong quá trình chuẩn bị các nội dung, Quốc hội đã tổ chức hàng loạt các sự kiện tọa đàm, diễn đàn để lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, doanh nghiệp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm; làm việc nhiều lần với các cơ quan của Chính phủ để đi đến thống nhất các nội dung trình Quốc hội bảo đảm chất lượng.

Trước đó, trong phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, một trong những nội dung quan trọng của kỳ họp là Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đối phó với dịch COVID-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội. Đây là chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách tài chính, tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch tài chính, kế hoạch vay và trả nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Thảo luận tại Tổ 06 gồm các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang, Phú Thọ, Thái Bình, Quảng Trị, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Hậu Giang

Cho ý kiến về các nội dung cụ thể, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ: Cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, sự cần thiết, cấp bách của từng chính sách và tổng thể các chính sách, sự phù hợp với các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội; các quan điểm, định hướng lớn cần quán triệt để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, gắn kết chặt chẽ với mục tiêu các kế hoạch 5 năm, hằng năm và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Cho ý kiến về  quy mô cụ thể các nguồn lực huy động cả về chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; khả năng huy động, mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, cụ thể và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, những lĩnh vực và địa bàn trọng tâm sao cho kịp thời, khả thi và hiệu quả; Phạm vi, thời gian thực hiện chính sách; Các giải pháp để tổ chức thực hiện nhanh, dễ kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách. Đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan hữu quan trong việc triển khai thực hiện, giám sát, đánh giá và kiểm tra việc thực hiện chương trình./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức