Từ điểm cầu Nhà Quốc hội, đề cập về sự cần thiết xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Đa số ý kiến cho rằng việc xây dựng Kế hoạch là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước, đồng thời đưa các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025 đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, không cần thiết đưa nội dung cơ cấu lại nền kinh tế thành một Kế hoạch riêng vì khá nhiều nội dung của Kế hoạch trùng lặp với nội dung đã được nêu tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công 5 năm 2021 - 2025.
Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, bổ sung trong mục tiêu tổng quát một số nội dung: Phát triển đô thị, kinh tế đô thị; kinh tế đô thị là trụ cột của nền kinh tế quốc dân, khai thác tối đa lợi thế của đô thị để phát triển kinh tế đô thị, tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế của hệ thống các đô thị; chú trọng mở rộng không gian phát triển kinh tế đô thị theo vùng, phát huy lợi thế kết nối đa chiều; thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, xây dựng các mô hình mới để tạo đột phá trong phát triển kinh tế đô thị; Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thích ứng với biến động của kinh tế thế giới, chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; khai thác triệt để những lợi thế từ các FTA thế hệ mới để thúc đẩy cải cách kinh tế trong nước, huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực hiệu quả; Bảo đảm tăng trưởng xanh để gắn kết tăng trưởng kinh tế với chú trọng bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu một số nội dung như sau:
Thứ nhất, đối với 05 mục tiêu không đạt được theo Kế hoạch cần đặt thời hạn sớm hoàn thành các mục tiêu này phù hợp với bối cảnh và điều kiện thực hiện của giai đoạn 2021 - 2025.
Thứ hai, cân nhắc điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu do tác động của dịch COVID-19 dẫn tới khó khả thi như mục tiêu về số lượng doanh nghiệp; đồng thời nghiên cứu đề xuất chỉ tiêu, mục tiêu về chất lượng doanh nghiệp, nhất là việc đánh giá đóng góp của doanh nghiệp vào GDP theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thứ ba, nghiên cứu, bổ sung làm rõ nội hàm, các yếu tố cấu thành kinh tế số, làm cơ sở để xác định mục tiêu “Kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%”. Đây là một nội dung mới nên cần phải được cụ thể hóa đối với từng ngành, lĩnh vực nhằm bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện.
Thứ tư, nghiên cứu, bổ sung một số mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về đơn vị sự nghiệp công lập, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển thị trường lao động, cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025
Về cơ bản, Ủy ban Kinh tế nhất trí với 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu đề ra tại Kế hoạch trên cơ sở tiếp tục các nhiệm vụ cơ cấu lại từ giai đoạn trước, đồng thời tách một số nội dung thành nhiệm vụ riêng để cho thấy rõ nét trọng tâm, trọng điểm và điểm mới. Đối với một số nội dung cụ thể, Ủy ban Kinh tế có ý kiến là cơ cấu lại nền kinh tế phải đặt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 có thể kéo dài và có những yếu tố bất định để có giải pháp phù hợp, sát với tình hình thực tế hơn để không lỡ nhịp với kinh tế thế giới.
Cơ cấu lại nền kinh tế lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá. Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh; đặc biệt bảo đảm đa số người dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển. Kế hoạch cần rõ nét hơn về các trọng tâm, trọng điểm các ngành, lĩnh vực và vùng, lãnh thổ. Tập trung để hoàn thành cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm giai đoạn trước chưa hoàn thành. Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, giữ vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Phối hợp điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả với liều lượng hợp lý, tại thời điểm phù hợp và phối hợp chặt chẽ giữa hai chính sách để hỗ trợ tăng trưởng trên cơ sở bảo đảm an toàn nợ công và ổn định kinh tế vĩ mô. Có giải pháp tổng thể và phù hợp để giải quyết dứt điểm năng lực sản xuất dư thừa, nhất là đối với các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, các dự án yếu kém, thua lỗ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế phải gắn với Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, tăng cường tính tự chủ, khả năng thích ứng của nền kinh tế. Xuất nhập khẩu, đầu tư công, tiêu dùng vẫn là trụ cột tăng trưởng nên phải xác định rõ những khó khăn cần tháo gỡ, những nội dung cần cơ cấu lại. Cơ cấu lại ngân sách nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ các nguồn vốn vay để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng; tăng tỷ trọng ngân sách nhà nước đưa giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ trở thành nền tảng quan trọng và là động lực chủ yếu trong phát triển. Cần cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực cho các loại thị trường, nhất là thị trường vốn, thị trường khoa học, công nghệ và thị trường lao động. Có giải pháp mở rộng năng lực thị trường vốn, vay trong khả năng huy động và khả năng trả nợ của nền kinh tế. Cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, nhất là vấn đề phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao chất lượng, tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư; nâng cao năng lực quản trị, điều hành các dự án đầu tư; giải quyết các vấn đề về dự án chậm tiến độ, các yếu tố về quy hoạch. Xây dựng và hoàn thiện nền tài chính quốc gia, nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm; khuyến khích phát triển các quỹ hưu trí, bảo hiểm thiên tai, nông nghiệp. Hình thành các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế số ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.
Cơ cấu lại thị trường lao động phải gắn với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực. Thiết lập khung pháp lý cho thị trường sơ cấp, thứ cấp về quyền sử dụng đất. Kinh tế hóa ngành tài nguyên, xây dựng cơ chế minh bạch đánh giá giá trị đất đai, bất động sản theo cơ chế thị trường; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo đảm công khai, minh bạch và khắc phục tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, tham nhũng, lãng phí. Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển mạnh doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, thu hút các dự án FDI có chọn lọc phù hợp với định hướng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030.
Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu, bổ sung cụ thể các mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp đột phá trong đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Cơ cấu lại không gian kinh tế phải bao hàm được nội dung về phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế bao trùm nhưng phải tính đến đặc thù của từng địa phương, từng vùng kinh tế để thúc đẩy liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn; đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, phát triển hệ thống đô thị trung tâm phù hợp với chức năng của từng vùng. Đối với đất đô thị, đề nghị cần gắn với định hướng phát triển đô thị, kinh tế đô thị; bảo đảm tỷ lệ đất giao thông và cây xanh theo quy định. Trong quy hoạch phát triển đô thị cần lấy định hướng phát triển giao thông làm cơ sở cho phát triển, quy hoạch đô thị theo mô hình TOD (Transit Oriented Development) nhằm phát triển một cách hài hoà và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Xây dựng định hướng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; lựa chọn một số địa phương, đô thị có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao, tạo vai trò dẫn dắt tăng trưởng. Chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm dịch vụ quốc gia, thương hiệu cho một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ có liên quan đến thiết bị vật tư y tế, dược phẩm và vắc - xin; dịch chuyển lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị của từng ngành công nghiệp.
Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, tập trung vào các chương trình, đề án thực sự quan trọng, cần thiết, phục vụ trực tiếp cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở cân đối nguồn lực thực hiện; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các chương trình, đề án bảo đảm sau khi thông qua, các chương trình, đề án được triển khai thực hiện ngay trong những năm đầu của giai đoạn 2021 - 2025.
Nguồn lực và phương thức huy động, tổ chức thực hiện
Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ quy định về việc “Trong một số ít trường hợp có khả năng sử dụng một số nguồn lực Nhà nước nhất định để thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế…” để tuân thủ các quy định tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nhất là về nguyên tắc phân bổ kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn. Cần có biện pháp quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đổi mới hơn nữa trong cách nghĩ, cách làm để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao.
Trên cơ sở Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ trình Quốc hội Báo cáo đánh giá sơ kết việc thực hiện Kế hoạch tại Kỳ họp cuối năm 2023. Ủy ban Kinh tế trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến tập trung vào các nội dung trong quá trình thảo luận tại Tổ và Hội trường như: Sự cần thiết ban hành Kế hoạch; Quan điểm và mục tiêu tổng quát; mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể; Nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; Danh mục các chương trình, đề án trong Kế hoạch; Nguồn lực và phương thức huy động, tổ chức thực hiện; Các vấn đề khác trong Kế hoạch mà đại biểu Quốc hội quan tâm./.