'
Toàn cảnh Phiên họp
Giải trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý thẳng thắn, sâu sắc và toàn diện của các vị đại biểu Quốc hội.
Về vấn đề về phát triển các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, Bộ trưởng cho rằng, trong thời gian qua, Bộ Y tế cùng với các bộ, các ngành, cơ quan trung ương triển khai đồng bộ các giải pháp từ vấn đề thông tin, truyền thông về lợi ích của bảo hiểm y tế, mở rộng các dịch vụ của bảo hiểm y tế, vấn đề nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh của bảo hiểm y tế cũng như các vấn đề mở rộng các điểm thu của bảo hiểm y tế. Vì vậy, cho đến thời điểm năm 2020 đã đạt được 90,85% dân số tham gia bảo hiểm y tế, vượt so với Nghị quyết 68/2013/QH13 của Quốc hội. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, có một số các vấn đề, cần phải hết sức quan tâm tới đây như: Làm thế nào để mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế, đặc biệt đảm bảo tính bền vững của bảo hiểm y tế, là vấn đề hết sức quan trọng đặt ra cho hệ thống y tế cũng như là hệ thống bảo hiểm xã hội.
“Trong năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đặc biệt vấn đề người lao động mất việc làm, một số doanh nghiệp bị đóng cửa, cho nên việc tham gia bảo hiểm y tế đã giảm xuống, hiện nay giảm 2,6 triệu so với năm 2020. Vấn đề đặt ra, tới đây làm sao để mở rộng tiếp tục cho bảo hiểm y tế..,” Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Về vấn đề y tế cơ sở, trong thời gian qua y tế cơ sở được đánh giá là nền tảng, là bệ đỡ cho vấn đề chăm sóc sức khỏe của người dân, đóng vai trò quan trọng cho vấn đề về phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, những đầu tư quan tâm cho đến thời điểm hiện nay chưa được như mong muốn. Vì vậy, hiện nay, Bộ Y tế đang tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới hệ thống y tế cơ sở trên các lĩnh vự như: Tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở; Đổi mới về nhân lực cho y tế cơ sở; Đảm bảo những đổi mới về cơ chế tài chính, … để y tế cơ sở tiếp tục phát triển, đảm bảo công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ngay tại địa bàn nơi sinh sống.
Vấn đề về khám bệnh, chữa bệnh và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã hết sức nỗ lực, triển khai rất nhiều những biện pháp, vấn đề về nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. “Theo đánh giá chung thì hiện nay các điểm số của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh đã được nâng lên. Tuy nhiên, tới đây vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vấn đề về nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là vấn đề về đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, về nhân lực, về trang thiết bị cũng như là vấn đề về việc triển khai mạnh mẽ hơn nữa những đề án mà Chính phủ đã triển khai trong thời gian qua, như là Đề án khám bệnh, chữa bệnh từ xa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với vấn đề về thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Bộ trưởng cho biết, về cơ bản hiện nay, các cơ quan bảo hiểm xã hội cũng như y tế đã thực hiện việc tạm ứng thanh quyết toán về chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua đã nảy sinh một số vấn đề, vấn đề về chậm thanh toán…. Vì vậy, Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội và trong năm 2021 không giao dự toán tổng, gọi là trần thanh toán, cho các cơ sở y tế nữa mà trên cơ sở thực thanh, thực chi. Tới đây, Bộ Y tế tiếp tục sẽ đổi mới phương thức về việc thanh toán bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, đó là thanh toán theo định suất và thanh toán theo ca bệnh tương đương (tức là DRG)
Bên cạnh đó, đối với việc giám định bảo hiểm y tế và vấn đề về thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm, Bộ Y tế đã chỉ đạo cũng như đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với bảo hiểm y tế. “Tới đây, Bộ Y tế tiếp tục làm sao để tăng cường hơn nữa công tác này cũng như đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về bảo hiểm y tế. Bộ Y tế cũng đang dự kiến xây dựng luật và trong đó nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo tính độc lập tương đối của hệ thống giám định bảo hiểm y tế,…”, Bộ trưởng nêu rõ.
Vấn đề về thu, chi và Quỹ bảo hiểm y tế, trong thời gian qua có những bất cập do mức đóng bảo hiểm y tế còn ở mức độ rất giới hạn. Bộ trưởng cho biết, hiện nay ngân sách nhà nước chiếm tới 59% các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế nhưng số kinh phí từ số này chỉ khoảng 37%. Mức đóng hiện nay không thay đổi qua nhiều năm nhưng dịch vụ y tế và đặc biệt dịch vụ y tế kỹ thuật cao, Bộ đã đưa vào trong thanh toán. Vì vậy, việc đảm bảo cân đối nguồn Quỹ bảo hiểm y tế là một vấn đề đặt ra trong thời gian tới đây. Về vấn đề này, tới đây Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo để xây dựng Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có những vấn đề liên quan đến chính sách về tăng tỷ lệ bao phủ của bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng cung cấp thêm thông tin về vấn đề mở rộng quyền lợi và chăm sóc sức khỏe đối với đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; vấn đề quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế; vấn đề thực hiện bảo hiểm y tế bổ sung và xem xét mức độ đa dạng mức đóng bảo hiểm y tế; vấn đề bổ sung quy định về khám, chữa bệnh, bảo hiểm y tế trong trường hợp xảy ra các dịch bệnh.
Riêng nội dung về sửa đổi Quyết định số 681/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng nêu rõ, thời gian qua Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Chính phủ về việc sửa đổi Quyết định số 681/QĐ-TTg. Theo đó, ở những vùng III, vùng II để nâng lên vùng I theo một hướng là kéo dài thời gian thụ hưởng những đối tượng ở những khu vực này là hết năm 2021. Trên cơ sở đó cũng xem xét bổ sung việc kéo dài thời gian thực hiện cho đối tượng ở vùng III, vùng II và vùng I như nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đã có 23 ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận trực tuyến. Qua thảo luận, các ý kiến phát biểu đã tập trung vào hai nội dung có trọng tâm, sâu sắc, rất trách nhiệm, phản ánh nhiều vấn đề thực tế đang đặt ra cần giải quyết trên tinh thần xây dựng đặc biệt là đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan tiếp tục rà soát, tiếp thu những nội dung cơ quan chủ trì thẩm tra nêu trong báo cáo và ý kiến tại phiên thảo luận; cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp cùng các bộ liên quan để hoàn thành Báo cáo đảm bảo chất lượng cao./.