BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIẢI TRÌNH, LÀM RÕ MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

26/10/2021

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 2, chiều 26/10, sau khi Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung làm việc.

 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt giải trình tại Phiên họp

Giải trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, qua thảo luận đã có nhiều ý kiến xác đáng thể hiện sự quan tâm lớn của các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao, ghi nhận sự nỗ lực của Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra; hai cơ quan đã có sự phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị từ sớm, từ xa.

Về việc đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, đa số ý kiến các đại biểu tán thành với Phương án 1. Theo đó, tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước và có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ. Cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến này, đặc biệt là ý kiến về việc có thể thay đổi đơn vị được giao quyền sở hữu khi đơn vị này ko đủ năng lực khai thác thương mại hóa kết quả nghiên cứu đã được bảo hộ.

Bên cạnh đó, Cơ quan soạn thảo cũng tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, các đại biểu Quốc hội để nghiên cứu kỹ lưỡng, làm rõ cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả để đảm bảo sự cân bằng lợi ích giữa ba chủ thể. Đồng thời thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI, trong đó khẳng định giao quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nhiệm vụ khoa học công nghệ. Ngoài các đối tượng trên, đối với các nội dung về sáng chế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế và bố trí, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu đề xuất Chính phủ tiếp thu, mở rộng đối tượng giao quyền đăng ký bảo hộ cho đơn vị chủ trì đối với giống và cây trồng.

Về vấn đề thu hẹp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ rõ, Chính phủ đề xuất 02 phương án để xin ý kiến Quốc hội. Theo đó, Phương án 1 là thu hẹp phạm vi xử phạt, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đối với một số đối tượng quyền và Phương án 2 là giữ nguyên như pháp luật hiện hành. Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá, rà soát lại sự phù hợp của Phương án 1 đối với điều kiện của Việt Nam hiện nay. Tại Phiên thảo luận Tổ, các đại biểu Quốc hội có ý kiến khác nhau về nội dung này, đa số tán thành Phương án 2, giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trên cơ sở tiếp thu ý các kiến nêu trên, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo, đề xuất Chính phủ tiếp thu ý kiến về việc không thu hẹp phạm vi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, theo Phương án 2.

Đối với nội dung liên quan đến sự tương thích với các điều ước quốc tế, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Cơ quan chủ trì soạn thảo nhận thức tầm quan trọng của vấn đề này và thể hiện rõ trong mục tiêu, quan điểm chỉ đạo tại Tờ trình. Đó là nội luật hóa các cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia như: Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA. Cơ quan soạn thảo sẽ cố gắng thiết kế để các điều khoản liên quan đến lĩnh vực này phải hài hòa và tương thích cao nhất với các điều luật quốc tế; đồng thời đảm bảo quyền lợi cao nhất của quốc gia, dân tộc.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cũng đã có nhận định dự thảo Luật có chất lượng tốt, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của các cam kết quốc tế. Tuy nhiên, đối với các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Cơ quan chủ trì sẽ tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với các thông lệ, các cam kết quốc tế.

Toàn cảnh Phiên họp

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt chỉ rõ, đối với các nội dung khác được các đại biểu cho ý kiến tại Phiên thảo luận này, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc, báo cáo, đề xuất Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu theo 4 nhóm nội dung sau:

Thứ nhất, nhóm vấn đề về sở hữu công nghiệp, bao gồm các nội dung như: Chính sách nhà nước về sở hữu trí tuệ; tính mới của sáng chế; chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ, sửa đổi văn bằng bảo hộ, từ chối cấp văn bằng bảo hộ; sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, đại diện sở hữu công nghiệp; điều khoản chuyển tiếp; nâng cao hiệu quả công tác thực thi quyền; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là vấn đề nhãn hiệu nổi tiếng.

Thứ hai, những vấn đề về quyền tác giả, quyền liên quan, bao gồm các nội dung: Vấn đề tác giả, đồng tác giả; quyền tài sản; đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, giả định quyền tác giả, quyền liên quan; tính toàn vẹn của tác phẩm; trách nhiệm pháp lý của các doanh nghiệp trung gian; sửa đổi, bổ sung các đều có liên quan đến Luật Giá.

Thứ ba, vấn đề về quyền đối với giống và cây trồng như: giới hạn nông dân, chủ giống…

Thứ tư, vấn đề về tên dự thảo Luật, văn phong, kỹ thuật lập pháp…

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nêu rõ, do Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là dự án Luật có tính chuyên môn sâu và khó, vì vậy trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện văn bản, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan để triển khai các hoạt động khảo sát, hội thảo, tọa đàm nhằm lấy ý kiến thêm từ các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý để có cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm hoàn thiện các quy định của luật một cách chất lượng, trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới./.

Hồ Hương- Minh Thành