Đại biểu Trần Đình Chung - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng
Đóng góp ý kiến từ điểm cầu Đà Nẵng, đại biểu Trần Đình Chung, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, cho biết, những năm gần đây, hoạt động chống phá, kêu gọi biểu tình, bạo loạn, phá rối an ninh trật tự của các thế lực thù địch, phản động, các băng nhóm tội phạm sử dụng vũ khí nóng, các yếu tố an ninh phi truyền thống diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường và gia tăng hơn. Trong nhiều vụ việc nóng, phức tạp về an ninh trật tự, các tình huống xã hội đặc biệt như dịch bệnh vừa qua, lực lượng Cảnh sát cơ động đã phát huy được vai trò rất lớn trong giải quyết, ổn định tình hình ở những giai đoạn cam go nhất cần phải được sử dụng những biện pháp mạnh, quyết liệt. Vì vậy, việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động thay thế cho Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013 là rất cần thiết và quan trọng.
Đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình, bối cảnh mới, đại biểu Trần Đình Chung nhấn mạnh, Luật Cảnh sát cơ động sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc hơn, phát huy tối đa sức mạnh, khả năng tác chiến đặc biệt của lực lượng cảnh sát cơ động cũng như xác định rõ phạm vi, mức độ, quyền hạn của lực lượng này trong thực hiện nhiệm vụ. Đây là một nội dung quan trọng vì hoạt động của lực lượng cảnh sát cơ động rất đặc thù, tác động trực tiếp đến quyền của công dân.
Về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động quy định tại Điều 3, đại biểu Trần Đình Chung đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục chỉnh lý để làm sáng tỏ hơn yếu tố chuyên trách, tính đặc thù trong việc sử dụng biện pháp vũ trang của cảnh sát cơ động so với các lực lượng khác.
Tại điểm c khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 18 quy định về việc Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Giám đốc Công an tỉnh/thành phố điều động cảnh sát cơ động để thực hiện nhiệm vụ trong các trường hợp cấp bách. Qua nghiên cứu, các văn bản luật có liên quan quy định về các tình huống và trường hợp về an ninh trật tự như Luật An ninh quốc gia, Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân, đại biểu Trần Đình Chung nhận thấy chưa có các quy định, giải thích cụ thể về các trường hợp cấp bách. Do đó đề nghị cần quy định cụ thể các trường hợp như thế nào là trường hợp cấp bách được quy định tại luật này.
Đại biểu Trần Đình Chung phân tích thêm, với tính chất của lực lượng Cảnh sát cơ động là lực lượng tác chiến, sử dụng biện pháp vũ trang là chính, nhiều trường hợp sử dụng vũ khí đặc chủng, hỏa lực mạnh, hoạt động của lực lượng Cảnh sát cơ động có liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thì việc quy định cụ thể các trường hợp cấp bách trong việc điều động các lực lượng, đơn vị cơ động là rất cần thiết để làm căn cứ xác định phạm vi, quy mô, điều động và công tác lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo triển khai cảnh sát cơ động phù hợp với quy mô, tính chất các vụ việc.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương
Từ điểm cầu Hải Dương, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, bày tỏ tán thành cơ bản với bố cục và nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên, dự thảo Luật Cảnh sát cơ động còn nhiều nội dung đã được quy định trong Luật Công an nhân dân nên bị trùng lắp và chồng chéo. Theo quy định của khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành quy phạm văn bản pháp luật 2015 thì văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại để lược bỏ những phần trùng lắp mà tập trung sâu vào những quy định đặc thù với Cảnh sát cơ động.
Về giải thích từ ngữ, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhận thấy, trong dự thảo Luật nhiều lần sử dụng từ "cấp bách" trong khoản 5 Điều 10 hay từ "tình huống cấp bách", "trường hợp cấp bách" trong Điều 17. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung phần giải thích từ ngữ làm rõ nội hàm, ngữ nghĩa của từ “cấp bách”, trường hợp nào là cấp bách, tình huống nào là cấp bách. Bởi những quyền hạn của Cảnh sát cơ động hay là việc huy động người và phương tiện của cảnh sát cơ động là hết sức đặc thù, có những trường hợp liên quan đến quyền con người, đến quyền tài sản, do vậy cần phải có những quy định rõ trường hợp nào được coi là cấp bách để tránh sự lạm dụng không cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình
Đồng tình với ý kiến của các đại biểu nêu trên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, cũng đề nghị nên giải thích cụ thể ở phần giải thích từ ngữ, quy định cụ thể thế nào là tính cấp bách. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho biết, trong thời gian qua, Giám đốc Công an cấp tỉnh cũng đã chủ động và linh hoạt trong việc điều động khá nhiều các trường hợp cấp bách. Đại biểu nêu dẫn chứng như tham gia phá án, vây bắt, truy bắt đối tượng, phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn... Do vậy, để tránh tình trạng tùy tiện và đảm bảo tính thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện trên toàn quốc, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, đối với tỉnh này thì vụ việc này là cấp bách, còn tỉnh khác thì vụ việc này được cho là không cấp bách. Đại biểu đề nghị cần quy định lượng hóa cụ thể hơn trong quy định của luật, có thể huy động bao nhiêu, 50/50 chiến sĩ cảnh sát cơ động thì thuộc thẩm quyền của Giám đốc Công an cấp tỉnh, còn nhiều hơn thì phải báo cáo.
Phát biểu từ điểm cầu Tuyên Quang, đại biểu Âu Thị Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, bày tỏ đồng tình với sự cần thiết phải xây dựng, ban hành Luật Cảnh sát cơ động để khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, đồng thời phù hợp với yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Về huy động người, phương tiện, thiết bị quy định tại Điều 17, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung để làm rõ thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị của Cảnh sát cơ động trong trường hợp cấp bách như trường hợp nào được hiểu là cấp bách, tính chất, mức độ, phạm vi huy động người, phương tiện, thiết bị của cảnh sát cơ động. Đại biểu phân tích, việc huy động người, phương tiện, thiết bị để thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát cơ động trong trường hợp cấp bách là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đây là nội dung liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, quyền tài sản, do đó cần phải có quy định thật cụ thể và rõ ràng.
Đại biểu Âu Thị Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang
Bên cạnh đó, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị bổ sung một khoản quy định giao cho Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết khoản 3 Điều 17, vì việc huy động người, phương tiện, thiết bị của cảnh sát cơ động là cần thiết trong một số trường hợp đặc biệt góp phần vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên quy định này cũng tác động đến quyền sở hữu tài sản của tổ chức, cá nhân.
Do vậy, cần quy định rõ hơn trường hợp cấp bách là gì? Phương thức, cách thức mà Cảnh sát cơ động thực hiện? Các quy định khác có liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng quy định này của Cảnh sát cơ động cũng như đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được đề nghị hỗ trợ Cảnh sát cơ động. Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết điều này để phù hợp với các quy định của Luật Công an nhân dân và nguyên tắc hoạt động của lực lượng Cảnh sát cơ động./.