Toàn cảnh Phiên thảo luận
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cộng đồng
Phát biểu tại Phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với những nhận định, đánh giá của Chính phủ về kết quả cũng như hạn chế trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Đa số ý kiến của các đại biểu đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, sự nỗ lực cố gắng của các cơ quan chức năng trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm. Công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, hạn chế được nhiều vi phạm trong hoạt động điều tra so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh các kết quả đạt được, các đại biểu cũng lưu ý một số vấn đề, tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật như: một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng, bao gồm tội phạm hiếp dâm trẻ em, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ. Bên cạnh đó, vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn ra ở nhiều nơi, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về ma túy vẫn diễn biến rất phức tạp, việc lợi dụng mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội để làm mất an ninh trật tự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc…vẫn diễn ra công khai.
Ngoài ra, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình trên thực tế, nhất là vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều địa phương nhưng chủ yếu là xử lý hành chính.
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục có những biện pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực công nghệ thông tin, phòng chống gian lận thương mại, môi trường, an toàn thực phẩm; hoạt động đấu thầu, định giá, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… để hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật, tội phạm và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với những vi phạm trên các lĩnh vực này.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, phát biểu từ điểm cầu trực tuyến
Phát biểu tại Phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, cho rằng việc giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cộng đồng dân cư là rất quan trọng để phòng ngừa sai phạm. Theo đại biểu, công tác giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật dù được quan tâm, nhưng có nơi, có lúc chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục, dẫn đến tình trạng nhiều người dân còn thiếu nhận thức, hiểu biết về pháp luật. Đại biểu đề nghị cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trong đó đặc biệt chú trọng tới các đối tượng thanh, thiếu niên trong cộng đồng.
Tán thành ý kiến trên, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, cũng đề nghị cần đẩy mạnh thông tin, phổ biến chính sách quan trọng đến những đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Ngoài ra, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn kiến nghị cần tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; kiện toàn đội ngũ cán bộ tuyên truyền, hướng tới quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên sâu theo từng lĩnh vực pháp luật; đầu tư kinh phí và cơ sở vật chất thỏa đáng cho công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật.
Kịp thời ngăn chặn, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật trong bối cảnh dịch bệnh
Tham gia ý kiến tại Phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, cho biết, trong tình hình dịch bệnh phức tạp, một số loại hình tội phạm nổi lên, xuất hiện những đối tượng lợi dụng những sơ hở, thiếu sót trong công tác phòng, chống dịch để tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước, tung tin giả gây hoang mang trong dư luận. Bên cạnh đó, các tội phạm về kinh tế, tham nhũng như buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, vật tư y tế... cũng gia tăng.
Đặc biệt, lợi dụng tình hình nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng về thu nhập và đời sống do dịch bệnh, các loại hình cho vay nặng lãi, tín dụng đen phát triển và mở rộng địa bàn. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Thuận đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm, có chính sách căn cơ hơn nữa trong vấn đề bảo đảm an sinh xã hội cho người dân thất nghiệp, liên kết tạo việc làm cho lao động nông thôn, tạo điều kiện để người lao động tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đồng thời đề nghị các lực lượng công an cần vào cuộc kiên quyết trong việc đấu tranh chống hình thức tội phạm này.
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận, phát biểu từ điểm cầu trực tuyến
Bên cạnh đó, Đại biểu Nguyễn Văn Thuận cũng cho biết, nhóm tội phạm ma túy có xu hướng phát triển nhanh ở nước ta trong những năm gần đây. Những đối tượng này là nguồn gốc phát sinh nhiều loại hình phạm tội nguy hiểm khác như giết người, cố ý gây thương tích, cướp giật, trộm cắp dẫn đến mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây bất an trong nhân dân. Do vậy, đại biểu đề nghị các lực lượng công an, biên phòng cần phối hợp chặt chẽ trong việc ngăn chặn nguồn cung ma túy từ biên giới và các cảng, hàng không; đồng thời cần tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy, đặc biệt là trong giới trẻ.
Cùng quan tâm về vấn đề này, đại biểu Trần Đình Văn, đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, cho biết, trong thời gian chống dịch vừa qua, trên cả nước vẫn phát hiện nhiều vụ việc mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy trái phép. Đại biểu đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan sớm thống kê, khảo sát, nắm bắt tình hình, ban hành các cơ chế, chính sách pháp luật, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đồng bộ để xử lý hành chính, xử lý hình sự các đối tượng vi phạm, đảm bảo tính răn đe, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tệ nạn xã hội.
Đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, phát biểu từ điểm cầu trực tuyến
Tham gia thảo luận, đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, đề nghị làm rõ, phân tích kỹ nguyên nhân số vụ gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ gia tăng đột biến trong thời gian vừa qua, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm hạn chế tình trạng này. Đại biểu cũng cho biết, trong việc thực hiện các hoạt động nhân đạo, từ thiện, kêu gọi, vận động, quyên góp ủng hộ phòng chống dịch bệnh vừa qua có xảy ra việc tranh chấp, nói xấu lẫn nhau, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống của dân tộc. Đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ, kịp thời để làm rõ các vụ việc; đồng thời cần có hành lang pháp lý minh bạch rõ ràng để công tác từ thiện, nhân đạo được thực hiện tốt trong thời gian tới, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị nâng cao chất lượng công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi. Theo các đại biểu, Chính phủ cần có kế hoạch, dự báo đánh giá tác động đối với tình hình an ninh, trật tự xã hội trong thời gian tới và đưa ra những phương án phòng ngừa hiệu quả không để xảy ra những tình huống đột xuất, bất ngờ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung phiên thảo luận
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao những ý kiến thảo luận thẳng thắn, trí tuệ, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đa số ý kiến đều cho rằng báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật của Chính phủ được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, chất lượng, nêu rõ tình hình, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, giải pháp, bám sát tình hình cụ thể, thể hiện kết quả đạt được trên tất cả các mặt công tác trong bối cảnh rất khó khăn của năm 2021.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật còn tồn tại những hạn chế, yếu kém như các đại biểu Quốc hội đã chỉ rõ, đồng thời đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội trong tổ chức thực hiện công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới./.