Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến tán thành với TANDTC đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về nội dung này. Các đại biểu nêu rõ, thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, Đảng và Nhà nước đã phải áp dụng các biện pháp giãn cách, cách ly xã hội nhiều đợt với thời gian dài để phòng, chống dịch bệnh. Hoạt động xét xử của Tòa án bị ảnh hưởng, nhiều đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam tại vùng cách ly, vùng có dịch, không thể trực tiếp tham gia phiên tòa. Dự báo, năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, cần có giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Tòa án trong công tác xét xử; bảo đảm thời hạn xét xử do luật định; bảo vệ quyền con người của bị cáo, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội và đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Do vậy, các ý kiến tại phiên thảo luận nhấn mạnh, TANDTC đề xuất Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến là cần thiết trong tình hình hiện nay. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là một bước cụ thể hóa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xét xử, hướng tới xây dựng Tòa án điện tử ở nước ta, đồng thời phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, quốc gia số và xu hướng hội nhập quốc tế về tư pháp.
Đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật khi triển khai phiên toà trực tuyến, đảm bảo quyền công dân theo quy định của pháp luật
Góp ý về Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, cho rằng, quá trình tố tụng tại tòa cần có sự phối hợp với các cơ quan liên quan và phải có sự hướng dẫn thống nhất của các cơ quan này. Hồ sơ Dự thảo Nghị quyết đã có dự thảo thông tư liên tịch giữa TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an quy định về phối hợp trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, thể hiện sự chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng của TANDTC và các cơ quan liên quan, đảm bảo cho việc triển khai Nghị quyết kịp thời.
Nhấn mạnh, việc triển khai tổ chức phiên tòa trực tuyến là phương thức tố tụng mới được áp dụng trên nền tảng công nghệ số, đại biểu Lã Thanh Tân kiến nghị cần có sự đầu tư trang thiết bị và việc triển khai cần thận trọng, nên có thí điểm với từng loại án, địa bàn để chỉ đạo triển khai toàn quốc.
Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng
Đại biểu Lã Thanh Tân cho biết, ở Hải Phòng, Ủy ban nhân dân thành phố đã đầu tư hệ thống thiết bị và đường truyền kết nối riêng từ hội trường xét xử của TAND thành phố Hải Phòng đến phòng xét xử đặt tại trụ sở UBND thành phố nhằm phục vụ phiên tòa xét xử án hành chính. Ngày 07/8/2021, TAND thành phố Hải Phòng đã tổ chức thử nghiệm phiên tòa giả định xét xử vụ án hành chính bằng hình thức trực tuyến. Kết quả được đánh giá là chất lượng hình ảnh, âm thanh rõ nét, tín hiệu đường truyền ổn định, người tham gia phiên tòa tại các điểm cầu đều theo dõi phiên tòa được đầy đủ, toàn diện. Câc đương sự được đảm bảo thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định. Từ kết quả này, TAND thành phố Hải Phòng đã có văn bản gửi TANDTC xem xét, cho phép thí điểm xét xử trực tuyến tại TAND thành phố Hải Phòng.
Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị TANDTC xem xét lựa chọn TAND thành phố Hải Phòng để triển khai thí điểm cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết này sau khi được Quốc hội thông qua.
Đại biểu Hoàng Thị Đôi - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La
Đồng tình với đa số ý kiến đại biểu cho rằng đây là giải pháp phù hợp trong tình hình dịch bệnh hiện nay và lâu dài, đại biểu Hoàng Thị Đôi - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, nêu rõ, phiên tòa trực tuyến sẽ dễ dàng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công lý, giảm chi phí xã hội trong việc tham gia hoạt động xét xử, phù hợp với định hướng xây dựng tòa án điện tử. Do vậy, đại biểu Hoàng Thị Đôi đề nghị tại Kỳ họp này, Quốc hội xem xét thảo luận thông qua Nghị quyết. Đồng thời đề nghị Chính phủ và TANDTC quan tâm đến việc bố trí cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết.
Để thực hiện tốt việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, đại biểu Lý Văn Huấn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đề nghị ngành tòa án cần chuẩn bị tốt các nội dung sau:
Một là, TANDTC chủ trì phối hợp với VKSNDTC, Bộ Công an, các cơ quan hữu quan sớm ban hành Thông tư liên tịch sau khi Nghị quyết tổ chức phiên tòa trực tuyến được thông qua. Đồng thời phải rà soát, xem xét kỹ đến điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, vận hành phiên tòa trực tuyến vì hiện tại cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ cho phiên tòa trực tuyến ở cấp cơ sở, đặc biệt cấp huyện chưa đảm bảo yêu cầu thực tế đề ra.
Hai là, kịp thời có những hướng dẫn chi tiết về việc xét xử trực tuyến đối với những loại án nào; về trình tự, thủ tục pháp luật theo tố tụng hình sự đảm bảo đúng quy định pháp luật đối với phiên tòa.
Ba là, các quy định khác về đảm bảo quyền con người, quyền của bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và sự tham gia của họ, đặc biệt là cách thức tiếp cận, nghiên cứu hồ sơ của những người này.
Đề nghị cần thí điểm tổ chức phiên tòa trực tuyến với từng loại án, địa bàn và chỉ khi không thể tổ chức xét xử trực tiếp
Tại phiên thảo luận, một số ý kiến đại biểu cho rằng chỉ nên tổ chức xét xử trực tuyến khi không thể tổ chức xét xử trực tiếp. Ngoài những ưu điểm của việc tổ chức phiên tòa trực tuyến mà nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu, đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ rõ những bất lợi khi tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đại biểu đề nghị cần đưa ra nguyên tắc chỉ xét xử trực tuyến khi không thể xét xử trực tiếp được. Đồng thời quy định sự đồng ý của các bên tham gia tổ chức phiên tòa trực tuyến thì phải được quy định ngay trong Nghị quyết thay vì quy định trong Thông tư hướng dẫn thi hành.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng
Đối với Thông tư hướng dẫn thi hành, đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị cần làm rõ:
- Thứ nhất, phạm vi đồng ý của các bên tham gia tố tụng đối với mỗi loại tố tụng rất khác nhau (như hình sự, dân sự, hành chính), sự bắt buộc có mặt tại phiên tòa của từng chủ thể tham gia phiên tòa là khác nhau, do vậy, phạm vi đồng ý tham gia phiên tòa tố tụng trực tuyến cũng khác nhau.
- Thứ hai, trong quá trình chuẩn bị xét xử, có những đương sự lúc đầu đồng ý tham gia nhưng sau đó người đó không đồng ý nữa thì xử lý như thế nào? Đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị Thông tư cần quy định rõ vấn đề này.
- Thứ ba, khi các yếu tố kỹ thuật không đảm bảo để xét xử trực tuyến mà chúng ta có điều kiện xét xử trực tiếp thì cần quay trở lại ngay xét xử trực tiếp.
- Thứ tư, khi Thông tư được ban hành thì việc tổ chức đào tạo, hướng dẫn thi thành liên quan đến tập huấn thẩm phán, hội thẩm nhân dân và các đối tượng khác thì cần được chú trọng nhiều hơn.
- Thứ năm, Thông tư hướng dẫn cũng cần quy định rõ sự tham gia của công chúng và truyền thông.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị
Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, cho rằng việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là hình thức mới không tránh khỏi khó khăn, bỡ ngỡ và hạn chế, vì vậy, đại biểu đề nghị nhất thiết phải làm thí điểm, không cầu toàn nhưng phải cầu thị, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa bổ sung để hoàn thiện.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh, đây là quá trình thí điểm để đi đến hoàn thiện hình thức mới để tiến đến quy định chính thức và luật hóa để bảo đảm cơ sở pháp lý chắc chắn là điều cần thiết. Ngược lại, nếu quá trình thí điểm phát sinh những vấn đề ngoài dự báo, không như ý muốn thì có thể xem xét toàn diện để có thể tiếp tục hay không việc thực hiện hình thức này hay có thể chuyển qua một hình thức khác.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Quốc hội xây dựng Nghị quyết của Quốc hội là Nghị quyết thí điểm với một số đề xuất cụ thể sau:
Một, thay đổi tiêu đề Nghị quyết thành Nghị quyết thí điểm về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Hai, xác định thời gian thí điểm là 3 năm như đề xuất của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội là có cơ sở. Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng 3 năm là thời gian chúng ta làm thí điểm, thông qua đó để tổng kết, đánh giá chứ không phải chỉ thực hiện 3 năm như báo cáo của Chánh án TANDTC.
Ba, sau thời gian thí điểm, tổng kết đánh giá, cần xem xét bổ sung nội dung này vào các quy định của các luật tố tụng để đảm bảo tính pháp lý, thống nhất như ý kiến đề xuất của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội là hoàn toàn phù hợp.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình thông tin cho Quốc hội được biết, thời gian qua TANDTC đã chỉ đạo thực hiện được bao nhiêu phiên tòa xét xử trực tuyến và kết quả như thế nào? Và việc tổ chức xét xử phiên tòa trực tuyến như vậy khi chưa có Nghị quyết của Quốc hội quy định liệu có đảm bảo cơ sở pháp lý hay không?
Đại biểu Hoàng Đức Thắng mong muốn Quốc hội lưu ý ý kiến của các đại biểu về yêu cầu các cơ quan tư pháp khẩn trương giải quyết thỏa đáng, dứt điểm các vụ án, vụ việc còn tồn đọng, gây bức xúc dư luận xã hội hiện nay mà đại biểu Quốc hội đã phản ánh rất nhiều lần và báo cáo cụ thể để nhân dân được biết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung phiên thảo luận
Phát biểu kết luận phiên thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các ý kiến phát biểu rất sôi nổi, trách nhiệm, tham gia nhiều ý kiến cụ thể và cơ bản đồng tình với sự cần thiết, phạm vi và cách thức tổ chức phiên tòa trực tuyến, cho rằng việc này có nghĩa trước mắt để đối phó với dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng vẫn đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo quy định của pháp luật. Đồng thời về lâu dài góp phần từng bước xây dựng Tòa án điện tử của nước ta, đẩy mạnh tòa án quốc tế trong lĩnh vực tư pháp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Chánh án TANDTC bước đầu đã phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở tổng hợp đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết và sẽ có báo cáo tiếp thu, giải trình đầy đủ để trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết vào cuối Kỳ họp này./.