Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long
“Không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, mặc dù có nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp nhưng công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) vẫn tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng; sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực được thực hiện ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả... qua đó gắn PCTN với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh PCTN.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thực hiện theo Quy định số 32-QĐ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 16/9/2021 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, Ban Chỉ đạo đã sâu sát, quyết liệt, chỉ đạo toàn diện công tác PCTN; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản; phát huy ngày càng hiệu quả cơ chế chỉ đạo, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Công tác xây dựng, hoàn thiện chể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN được tiếp tục quan tâm.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN đã xây dựng, hoàn thành nhiều Đề án, nhiệm vụ quan trọng theo Kết luận và Chương trình công tác của Bộ Chính trị; chú trọng chỉ đạo sơ kết, tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả công tác PCTN; chỉ đạo tổng kết công tác PCTN trên phạm vi toàn quốc và tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020, qua đó khẳng định những kết quả đạt được, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện PCTN trong giai đoạn mới, lan tỏa quyết tâm đấu tranh PCTN trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Ngoài ra, trong chỉ đạo, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bám sát và triển khai quyết liệt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến công tác đấu tranh PCTN, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân; chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành nhưng luôn bám sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình để đưa ra quyết sách kịp thời, chính xác, đạt hiệu quả cao nhất trong công tác PCTN; không để công việc trì trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh, kiên quyết xử lý nghiêm mọi trường hợp lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng
Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, công tác PCTN đã đạt được những kết quả quan trọng trong năm 2021 về nhiều mặt như: lãnh đạo, chỉ đạo về PCTN; xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội và hợp tác quốc tế trong PCTN; kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường PCTN tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.
Đối với việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, thực hiện Luật PCTN năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện, xử lý những sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng; tăng cường kiểm tra việc ban hành các văn bản dưới luật; hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN; tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng nhất là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như đầu tư xây dựng, đấu thầu, thu chi ngân sách, quản lý, sử dụng tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan…
Toàn cảnh Phiên họp
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 18/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ); chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị toàn quốc để tổng kết thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN, Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, phục vụ cho việc xây dựng Chiến lược, chương trình, kế hoạch về công tác PCTN cho các giai đoạn tiếp theo.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tham gia phối hợp, nghiên cứu, xây dựng các Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành và chỉ đạo ban hành như: quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực PCTN; Đề án “Nghiên cứu, mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng”; Đề án “Nghiên cứu vấn đề xử lý hình sự về hành vi làm giàu bất hợp pháp”; Đề án “Quy chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong kiểm soát tài sản, thu nhập”…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng cho biết, về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường, kịp thời phổ biến, tổ chức quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về PCTN gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cụ thể, đã có rất nhiều đầu sách, tài liệu tuyên truyền về PCTN được xuất bản; tổ chức gần 100.000 lớp học trực tiếp hoặc trực tuyến cho các cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... nhằm phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác PCTN.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, thực hiện Quy định số 65-QĐ/TW ngày 03/02/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền PCTN, các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin kịp thời kết quả các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, kết quả xử lý kỷ luật của Đảng, kết luận thanh tra, kiểm toán, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế. Các cơ quan thông tấn, báo chí có nhiều bài viết, chuyên đề, phóng sự tuyên truyền, lan tỏa những kết quả nổi bật về công tác đấu tranh PCTN; đồng thời chú trọng đưa tin bài biểu dương gương người tốt, việc tốt trong công tác đấu tranh PCTN; tích cực đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, cổ vũ, động viên, khích lệ Nhân dân tích cực tham gia đấu tranh PCTN.
Bên cạnh những kết quả trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng chỉ ra rằng công tác phòng, chống tham nhũng còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, công chức, viên chức để PCTN vẫn còn hạn chế; việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, thiếu đồng bộ, kiểm tra, đánh giá chưa thường xuyên; việc xử lý tài sản liên quan đến các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế còn chậm; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp so với tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ, các hạn chế, thiếu sót nêu trên là do còn có khoảng cách giữa quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước và hành động thực tế của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương; cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đủ mạnh, chậm được hoàn thiện; tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị chức năng PCTN vẫn còn hạn chế, bất cập; Việc thực hiện dân chủ cơ sở có nơi chưa tốt; cơ chế khuyến khích, bảo vệ người dân tham gia phát hiện, tố giác, đấu tranh với các hành vi tiêu cực, tham nhũng thực hiện chưa hiệu quả.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và nâng cao hiệu quả của công tác PCTN, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế về quản lý kinh tế xã hội, PCTN đồng bộ, thống nhất, đi vào thực tiễn và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, với nguyên tăc không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng nhấn mạnh: PCTN là nhiệm vụ quan trọng, khó khăn, phức tạp, do vậy PCTN phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài, khắc phục tư tưởng nóng vội, chủ quan hoặc trì trệ, cầm chừng, thiếu quyết liệt; đồng thời phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và toàn xã hội trong đấu tranh PCTN, phát huy đầy đủ vai trò trách nhiệm của cơ quan và đại biểu dân cử, mặt trận tổ quốc, các tổ chức thành viên, doanh nghiệp, doanh nhân trong PCTN./.