BÁO CÁO THẨM TRA VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG QUỸ BẢO HIỂM Y TẾ NĂM 2020 VÀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 68/2013/QH13

22/10/2021

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 22/10, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung làm việc.

 

Toàn cảnh Phiên họp

08 chỉ tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành theo Nghị quyết số 68/2013/QH13

Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong những năm qua, các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT) được ban hành cơ bản đầy đủ, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, điều hành, đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT, điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) và sử dụng hợp lý, hiệu quả quỹ BHYT. Tuy nhiên, tình trạng văn bản hướng dẫn thực hiện mâu thuẫn với Luật chưa được giải quyết dứt điểm; gói dịch vụ y tế cơ bản do quỹ BHYT chi trả và quy trình kỹ thuật chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị chưa được ban hành đầy đủ và cập nhật; hệ thống văn bản về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, xã hội hóa chưa được hoàn thiện làm ảnh hưởng đến hoạt động KCB BHYT và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, sau 8 năm thực hiện, 08 chỉ tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt yêu cầu và 04 chỉ tiêu, nhiệm vụ thành phần chưa hoàn thành hoặc mới chỉ hoàn thành được một phần. Nhìn chung, các chỉ tiêu đã hoàn thành là các chỉ tiêu được xác định tại các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), các chỉ tiêu chưa đạt liên quan đến cơ chế đầu tư, hỗ trợ tài chính.

Theo đó, về chỉ tiêu đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT, chỉ tiêu này hoàn thành từ năm 2016, trước 4 năm so với quy định. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia BHYT cao tập trung chủ yếu ở nhóm được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT, nhóm người lao động thuộc khối hành chính sự nghiệp hoặc nhóm được quỹ BHXH đảm bảo kinh phí mua thẻ. Nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình chỉ đạt tỷ lệ bao phủ 76,5% tổng số người thuộc diện tham gia. Từ năm 2020, do tác động của dịch COVID-19, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT tại một số địa phương bị ảnh hưởng; một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động, giải thể dẫn đến xảy ra tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng BHYT cũng như một số người không có điều kiện để tiếp tục tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Về mục tiêu đến năm 2020, hoàn thành đầu tư nâng cấp trạm y tế xã ở vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội chỉ rõ, trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở. Tuy nhiên, đến năm 2020, chưa đạt mục tiêu hoàn thành đầu tư cải tạo, nâng cấp các trạm y tế xã ở vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, còn 22,1% trạm y tế xã vẫn chưa được đầu tư kiên cố và  khoảng 40,1% trạm y tế xã có nhu cầu đầu tư cải tạo, xây dựng mới. Rất ít trạm y tế xã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng như chương trình mục tiêu quốc gia của địa phương để đầu tư mà chủ yếu phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ trung ương và các dự án viện trợ nước ngoài.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra

Về nhiệm vụ giảm 50% quá tải bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương, Ủy ban đánh giá cao việc Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm tải ở các bệnh viện tuyến tỉnh và trung ương. Tuy nhiên, tình trạng quá tải vẫn xảy ra ở một số bệnh viện tuyến trên do một bộ phận người dân chưa tin tưởng vào hệ thống y tế cơ sở; công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa đạt yêu cầu.

Về mục tiêu trước năm 2018, hoàn thiện việc quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả, nhiệm vụ này thực hiện được một phần do mới chỉ ban hành Thông tư Quy định gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ BHYT chi trả áp dụng tại tuyến xã mà chưa ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản áp dụng tại các tuyến; việc thực hiện gói dịch vụ này chưa đem lại hiệu quả như mong muốn và chưa được đánh giá để sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi kịp thời.

Về đảm bảo thuốc chữa bệnh có chất lượng và giá cả phù hợp, theo Ủy ban Xã hội, thuốc chữa bệnh cơ bản được cung ứng đủ cho các cơ sở KCB để điều trị cho bệnh nhân; người dân được tiếp cận thuốc có chất lượng với giá hợp lý. Tuy nhiên, một số cơ sở cung ứng thuốc chưa thực hiện kết nối gây khó khăn trong công tác kiểm soát giá thuốc. Việc tổ chức đấu thầu thuốc tập trung đôi lúc làm xảy ra tình trạng thiếu thuốc cấp phát cho người bệnh do không đấu thầu được hoặc nhà thầu không cung ứng đủ thuốc.

Tiếp tục thực hiện nghiêm các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm y tế

Về nâng cao y đức và chất lượng KCB, xử lý vi phạm pháp luật về KCB và BHYT, tăng cường năng lực giám định BHYT, Ủy ban Xã hội cho rằng, ngành y tế đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để chấn chỉnh đạo đức nghề nghiệp, không ngừng chuẩn hóa, nâng cao chất lượng chuyên môn; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng sai sót chuyên môn, kỹ thuật trong KCB; áp lực về quá tải, tự chủ bệnh viện tác động đến việc nâng cao chất lượng KCB và yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp, thái độ phục vụ người bệnh; chất lượng KCB chưa đồng đều giữa các tuyến; công tác xử lý vi phạm về BHYT còn hạn chế. Các phương pháp giám định chi phí KCB BHYT đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam đổi mới dựa trên sự hỗ trợ của công nghệ thông tin để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp thanh toán sai quy định, trục lợi BHYT. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác giám định BHYT còn gặp khó khăn do thiếu các quy trình kỹ thuật chuyên môn trong KCB, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị chuẩn còn thiếu và chậm cập nhật; thiếu các quy chuẩn và yêu cầu kỹ thuật trong giám định điện tử.

Đối với nội dung quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020, Ủy ban Xã hội chỉ ra rằng, việc quản lý và sử dụng quỹ BHYT năm 2020 về cơ bản thực hiện theo quy định của pháp luật về BHYT và các quy định liên quan. Công tác kiểm soát thu, chi BHYT được tăng cường, Chính phủ tiếp tục áp dụng phương thức giao dự toán chi phí KCB BHYT đến cơ sở KCB để kiểm soát chi KCB BHYT; đã giải quyết được nhiều trường hợp treo quyết toán chi phí KCB BHYT.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Xã hội, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Mức đóng BHYT của một số nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng BHYT thấp, chỉ bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong khi nhóm đối tượng này chiếm 58% tổng số đối tượng tham gia BHYT, mức quyền lợi BHYT cao hơn nhóm đối tượng khác và phạm vi quyền lợi ngày càng được mở rộng. Vẫn còn tình trạng ngân sách nhà nước chậm chuyển kinh phí đóng BHYT cho đối tượng được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ tại một số địa phương; chưa giải quyết triệt để tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT từ phía cơ sở KCB, người bệnh và cả cán bộ thực hiện BHYT. Một số cơ sở KCB do lo ngại việc không được thanh toán các chi phí vượt dự toán được giao nên có tình trạng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên hoặc chỉ KCB BHYT cầm chừng, kê đơn để bệnh nhân mua thuốc ngoài BHYT, đặc biệt là khi thực chi đã gần chạm hoặc vượt ngưỡng được giao.

Trên cơ sở quá trình thẩm tra, Ủy ban Xã hội kiến nghị Chính phủ cần sớm tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13 làm cơ sở để đưa ra đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết phù hợp với tình hình mới; sớm trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) và Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi); chỉ đạo hoàn thiện văn bản dưới luật để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo chỉ đạo Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, các Bộ, ngành hữu quan và chính quyền địa phương thực hiện nghiêm các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm y tế./.

Hồ Hương- Minh Thành

Các bài viết khác