Tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm
Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Ủy ban Kinh tế đánh giá cao Hồ sơ dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bố cục của dự thảo Luật gồm 08 chương, 156 điều (sửa đổi 81 điều, bổ sung 58 điều, bãi bỏ 33 điều và giữ nguyên 17 điều so với Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành). Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần bố cục lại một số chương, mục của dự thảo Luật cho hợp lý hơn
Về sự phù hợp của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với Hiến pháp và các luật có liên quan, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, dự thảo Luật này sau khi được thông qua sẽ song song tồn tại với nhiều luật khác. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu với các luật liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện một số nội dung cụ thể
Thẩm tra một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật có phạm vi điều chỉnh bao quát hơn, đã bổ sung nội dung quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bổ sung quy định về đối tượng áp dụng để quy định rõ, cụ thể hơn những đối tượng được điều chỉnh bởi luật.
Về áp dụng pháp luật, dự thảo Luật đã cụ thể hóa các nội dung được xác định sẽ ưu tiên áp dụng theo Luật Kinh doanh bảo hiểm. Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc ưu tiên áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm đối với một số nội dung mang tính chuyên ngành, đặc thù về kinh doanh bảo hiểm là hợp lý, tuy nhiên, việc quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật như tại Điều 3 của dự thảo Luật sẽ làm phát sinh mâu thuẫn với nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu không quy định nội dung này tại Điều 3 của dự thảo Luật; tiếp tục rà soát, bổ sung quy định đặc thù so với luật khác ngay tại dự thảo Luật.
Về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát quy định về chính sách phát triển bảo hiểm để quy định cụ thể hơn; đồng thời, giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết để tạo linh hoạt trong triển khai thực hiện bảo đảm các chính sách này khả thi trên thực tế.
Đối với hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường bảo hiểm, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung đánh giá tác động về chi phí, việc sử dụng ngân sách nhà nước, chi phí từ các nguồn khác (nếu có) trong trường hợp đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh doanh bảo hiểm vì vấn đề này chưa được đánh giá tác động khi xây dựng hồ sơ dự án Luật.
Về bảo hiểm bắt buộc, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ quy định về bảo hiểm bắt buộc và bắt buộc phải mua bảo hiểm. Hiện nay, có 02 loại bảo hiểm bắt buộc; thuyết minh rõ phạm vi bảo hiểm của từng sản phẩm bảo hiểm bắt buộc, việc đáp ứng tiêu chí về bảo hiểm bắt buộc, có thể đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung, tên gọi của sản phẩm bảo hiểm để phù hợp với thực tế, định hướng phát triển thị trường bảo hiểm.
Về doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm (DNBH, DNTBH ), Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với các quy định tại dự thảo Luật, theo đó luật hoá các điều kiện kinh doanh, cấp phép thành lập và hoạt động; hồ sơ thủ tục do Chính phủ hướng dẫn; cơ quan thực hiện cấp phép thành lập và hoạt động kinh doanh bảo hiểm là Bộ Tài chính. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định liên quan đến chủ thể kinh doanh (như: điều kiện kinh doanh, trình tự thành lập, quản trị doanh nghiệp, tổ chức kiểm soát và kiểm toán nội bộ, các chức danh quan trọng của DNBH…) bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng, thuận lợi, không tạo gánh nặng về tài chính, hành chính cho doanh nghiệp; tránh sự can thiệp quá sâu của cơ quan quản lý nhà nước vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp và phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Đối với quy định về phá sản DNBH, DNTBH sau khi áp dụng biện pháp can thiệp, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, tại dự thảo Luật có quy định một số nội dung liên quan đến phá sản của DNBH, DNTBH chưa phù hợp với quy định tại Luật Phá sản, như chủ thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, việc áp dụng thủ tục thanh lý tài sản đối với DNBH, DNTBH bị phá sản, thứ tự ưu tiên khi phân chia tài sản DNBH, DNTBH... Vì vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo làm rõ tính cần thiết phải có các quy định đặc thù này đối với lĩnh vực bảo hiểm, hạn chế tối đa việc tạo thêm các ngoại lệ so với quy định của Luật Phá sản.
Về bảo hiểm vi mô, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, hiện nay có 02 loại ý kiến. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của Luật, đề nghị Cơ quan soạn thảo tổng kết, đánh giá đầy đủ về tính hiệu quả của việc thí điểm thực hiện hoạt động bảo hiểm vi mô trong thời gian qua; phân tích, đánh giá kỹ tác động kinh tế - xã hội, chi phí, lợi ích của loại bảo hiểm này; bổ sung đầy đủ các quy định về bảo hiểm vi mô; phân tích rõ sự khác biệt giữa loại hình bảo hiểm này so với bảo hiểm thông thường. Đồng thời, đánh giá việc trong 16 năm qua chưa có tổ chức bảo hiểm tương hỗ nào được thành lập theo quy định tại Nghị định số 18/2005/NĐ-CP ngày 24/2/2005 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng nêu rõ quan điểm của Ủy ban đối với một số quy định: về tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; về quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; Về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm;….
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết thêm, thời gian có hiệu lực như quy định của dự thảo Luật là quá chậm, các luật khác thường chỉ sau khoảng 06 tháng kể từ thời điểm Quốc hội thông qua, trừ các dự án Luật có tính phức tạp. Đồng thời, đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung biện pháp quản lý trong trường hợp sau 05 năm các DNBH, DNTBH không thực hiện đầy đủ các quy định tại dự thảo Luật./.