Tối 5.6, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức Tọa đàm Đại biểu Quốc hội và 5 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự.
Với vai trò là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ, Bình đẳng giới đã trở thành mục tiêu chung mang tính toàn cầu và là thước đo quan trọng đối với tiến bộ xã hội của một quốc gia. Trong quá trình thực hiện mục tiêu này, QH đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý cho bình đẳng giới và giám sát để bảo đảm các quy định này cũng như các điều ước quốc tế mà quốc gia đã gia nhập thực thi. Việc tổ chức triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới trên các lĩnh vực đời sống xã hội và gia đình đã đạt được một số tiến bộ. Sau 2 năm triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020, một số chỉ tiêu đã hoàn thành kế hoạch…
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng khẳng định, tư tưởng hiến định về bình đẳng nam nữ đã được quy định từ Hiến pháp năm 1946 đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện đã được kế thừa và phát triển trong các Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong các nước sớm ký kết và phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) và nội luật hóa các quy định của Công ước này. Phó chủ tịch QH tin tưởng, với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, với các cam kết mạnh mẽ với các tổ chức quốc tế, với sự tham gia tích cực của các ĐBQH và với sự hỗ trợ của quốc tế thời gian tới Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu bình đẳng giới mà Luật Bình đẳng giới đã xác định là Xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Tại cuộc Tọa đàm, các ĐBQH đã trao đổi, thảo luận về kết quả 5 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới; đồng thời đề xuất và kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới cũng như chia sẻ kinh nghiệm để thực hiện tốt công tác này, góp phần thực hiện pháp luật bình đẳng giới hiệu quả, thiết thực.