Ngày 27/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Trong cuộc thảo luận, đa số các đại biểu tập trung góp ý đối với điều 1 của chương I về tên nước.
Đại biểu Đỗ Bá Tỵ (đoàn Điện Biên) cho rằng, cần phải giữ nguyên tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam. Tên gọi này ra đời trong bối cảnh nước ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định rõ con đường, mục tiêu xây dựng chế độ XHCN của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7/1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Hơn nữa, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên Chủ nghĩa xã hội và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp.
Đồng ý giữ nguyên tên nước, đại biểu Dương Văn Thống (đoàn Yên Bái) cho rằng, tên nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã gắn với chế độ, thời gian dài gắn với sự hình thành nước, phát triển của dân tộc Việt Nam và đã quen thuộc với người dân. Nếu đổi tên nước sẽ kéo theo nhiều sự thay đổi trong đời sống chính trị, kinh tế-xã hội…
Đại biểu Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh: Không nhất thiết phải thay đổi tên nước vì tên nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã gắn với lịch sử dân tộc và hiện không ảnh hưởng gì tới cuộc sống của nhân dân.
Khẳng định vị trí và vai trò lãnh đạo của Đảng
Một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm là Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đề cập đến vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Đa số đại biểu tán thành việc giữ Điều 4 quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết. Quy định này khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta. Dự thảo đã bổ sung quy định về bản chất của Đảng theo tinh thần mới của Cương lĩnh, đó là: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”.
Chính do bản chất và nền tảng tư tưởng của Đảng như vậy nên nhân dân ta mới thừa nhận vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng và ghi nhận vào Hiến pháp.
Đại biểu Giàng A Chu (đoàn Yên Bái) nêu ý kiến: Đất nước ta phát triển như hiện nay không thể không nhắc đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn của đất nước, nhân dân ta vẫn kiên trì đi theo sự lãnh đạo của Đảng, với kim chỉ nam là tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Vì vậy, việc giữ nguyên Điều 4 của chương I trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là hoàn toàn đúng đắn, không thể bỏ Điều 4 ra khỏi Dự thảo.
Đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) cũng đồng ý với Điều 4 ghi trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong đó khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi vì từ khi có Đảng cho đến nay, Đảng luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân.
Đại biểu Lê Như Tiến cho rằng, trong Dự thảo ghi: “Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” là hoàn toàn hợp lý vì mọi hoạt động của Đảng cần phải được nhân dân biết và giám sát, đóng góp ý kiến. Có như vậy, Đảng mới nhận được lòng tin bền vững của tầng lớp nhân dân và sự tồn tại, phát triển của Đảng mới thực sự lớn mạnh./.