Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho biết, mục tiêu giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo. Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã quan tâm, xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015 đã tập trung các chính sách chủ yếu và nguồn lực cho các địa bàn nghèo, hạn chế sự chồng chéo trong tổ chức thực hiện của giai đoạn trước nhằm lồng ghép các chính sách hiệu quả hơn. Đến nay, công tác giảm nghèo đã đạt được những kết quả khá tích cực. Theo cách tính chuẩn nghèo dựa trên nhu cầu cơ bản của Ngân hàng Thế giới thì, tỷ lệ giảm nghèo của nước ta năm 1993 là 58% đến năm 2012 đã giảm xuống còn 10%. Tuy nhiên, mục tiêu giảm nghèo bền vững vẫn đang đứng trước nhiều thách thức như: tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng... Dự kiến năm 2014, QH sẽ tiến hành giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo. Chủ nhiệm Trương Thị Mai mong muốn, Hội thảo sẽ cung cấp thêm thông tin hữu ích cho ĐBQH trong quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách này.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về một số vấn đề đặt ra trong việc xây dựng và thực hiện chính sách giảm nghèo. Nhiều ý kiến cho rằng, cần bảo đảm nguồn tài chính thỏa đáng và bền vững cho công tác xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, cần chú ý nhiều hơn tới nhóm đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng nghèo trên cả nước.