UNDP hỗ trợ trao đổi thông tin lập pháp trong Quốc hội

08/05/2013

Dự án “Tăng cường cung cấp và trao đổi thông tin lập pháp giữa các cơ quan của Quốc hội Việt Nam” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì với sự hỗ trợ của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã chính thức khởi động ngày 7/5 tại Hà Nội.

Được thực hiện trong 3 năm (2013-2015) với tổng số vốn gần 1,7 triệu USD (trong đó kinh phí tài trợ 1,5 triệu USD), dự án sẽ hỗ trợ Viện Nghiên cứu lập pháp khắc phục những hạn chế của các hoạt động nghiên cứu hiện nay để đảm bảo việc cung cấp thông tin và các nghiên cứu chuyên sâu cho Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, đặc biệt là trong giai đoạn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992, các luật quan trọng về tổ chức bộ máy nhà nước và hoàn thiện pháp luật về nền kinh tế thị trường.

Đồng thời, dự án sẽ hỗ trợ Ủy ban Pháp luật trong việc sửa đổi Luật tổ chức của Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Dự án cũng sẽ hỗ trợ hoạt động của Ủy ban Tư pháp liên quan tới Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật phòng, chống tham nhũng.

Thông qua dự án, mối quan hệ hợp tác giữa các Ủy ban với các cơ quan nghiên cứu, cung cấp thông tin, dữ liệu sẽ được tăng cường hơn nữa.

Đánh giá cao sự hỗ trợ của UNDP, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Giám đốc quốc gia dự án tin tưởng rằng thành công của dự án sẽ đóng góp một cách hiệu quả vào việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Theo bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam, dự án này sẽ hỗ trợ Viện Nghiên cứu lập pháp trên hai lĩnh vực. Một là đáp ứng yêu cầu từ các Ủy ban của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội liên quan đến cung cấp thông tin và nghiên cứu ứng dụng có chất lượng cao. Hai là, hỗ trợ các đại biểu Quốc hội xây dựng và trình sáng kiến pháp luật và biến chúng thành các dự án luật.

Dự án diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn phát triển vô cùng quan trọng với trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền, tiếp tục đổi mới hoạt động của các cơ quan tư pháp và đặc biệt là tăng cường hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Quốc hội.

Trong bối cảnh đó, Viện Nghiên cứu lập pháp cần thực hiện các nghiên cứu cơ bản đóng góp vào việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội cũng như các nghiên cứu ứng dụng về các vấn đề liên quan đến Hiến pháp và các hoạt động lập pháp, các vấn đề quan trọng của đất nước do Quốc hội quyết định; hỗ trợ hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội./.

 

Thanh Hòa (TTXVN)

(http://www.vietnamplus.vn/)