Trao đổi kinh nghiệm hoạt động Hội đồng nhân dân

17/04/2013

Khẳng định Hội đồng Nhân dân là cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị cơ quan này cần chủ động nghiên cứu, quán triệt các văn bản pháp quy, chính sách của Đảng, Nhà nước, của địa phương để đưa ra chính sách hợp lý, tiếp thu, lắng nghe ý kiến của nhân dân.

Ngày 16/4, tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động Hội đồng Nhân dân về xây dựng cơ chế, chính sách của địa phương, nhằm phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của 14 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc ở Bắc Kạn, ông Sơn cũng lưu ý Hội đồng nhân dân cần tăng cường giữ mối liên hệ với Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan chức năng; làm tốt công tác thu thập cơ sở dữ liệu, thông tin, công tác dự báo.

Hội đồng nhân dân cần chủ động phối hợp với các đoàn đại biểu quốc hội tại địa phương trong việc giám sát; tăng cường tập huấn chuyên sâu, chuyên đề cho các cán bộ cơ quan dân cử tại địa phương.

Thông tin cần được cung cấp đầy đủ cho đại biểu Hội đồng nhân dân, không chồng chéo, phân tán nguồn lực; cần tăng tính đối thoại, trước khi thông qua nghị quyết; chú trọng khâu giám sát, khi nghị quyết được thông qua cần giám sát tính thực thi.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Hội đồng nhân dân khu vực trung du, miền núi phía Bắc trong việc đưa ra các cơ chế đặc thù để phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng.

Đây là dịp để Hội đồng nhân dân trao đổi và kiến nghị những vướng mắc trong hoạt động của các cấp chính quyền nói chung, Hội đồng nhân dân nói riêng.

Trao đổi kinh nghiệm hoạt động Hội đồng nhân dân là chủ đề không mới nhưng luôn là sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ. Hội đồng nhân dân các tỉnh trong khu vực đã có nhiều cách làm hay. Tuy nhiên, vẫn còn một số chính sách chưa đi vào cuộc sống, cần tập trung phân tích, sửa đổi để phù hợp với tình hình phát triển của mỗi địa phương.

Từ những vấn đề còn tồn tại, Hội nghị đã tập trung phân tích, đánh giá những mặt được, chưa được, đưa ra những bài học kinh nghiệm cho công tác xây dựng cơ chế đặc thù.

Tham luận của đại biểu cho thấy, các tỉnh đều có những cơ chế đặc thù để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng để chọn cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã ban hành 30 nghị quyết chuyên đề trong nhiệm kỳ 2011-2016, lựa chọn những vấn đề cần tháo gỡ hoặc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang có những biện pháp nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang chú trọng 3 vấn đề khi ban hành nghị quyết khuyến khích đầu tư, thu hút cán bộ, phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành nghị quyết, kiên quyết đưa ra khỏi chương trình những nghị quyết không bảo đảm căn cứ pháp lý, sự cần thiết.

Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái lựa chọn nội dung, lĩnh vực để ban hành các chính sách; vai trò của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ trong việc quyết định chính sách hỗ trợ các chương trình sản xuất nông nghiệp. Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên lựa chọn những lĩnh vực cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nghị quyết chất lượng, hợp hiến.

Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai coi trọng công tác thẩm tra để đưa ra các nghị quyết chính sách đặc thù. Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang chú trọng cơ chế để nâng cao đời sống học sinh nội trú dân nuôi, làng văn hóa du lịch./.

 

Nguyễn Trình (TTXVN)

(http://www.vietnamplus.vn/)