Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 17, hôm nay (11/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 3 dự án Luật gồm: Luật việc làm; Luật phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.
Thảo luận về dự án Luật việc làm, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc quy định các nhóm chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động như: tín dụng vay vốn tạo việc làm; hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên…
Theo dự thảo Luật, việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp do Chính phủ quy định. Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đến nay, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã triển khai thực hiện được hơn 3 năm, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá để khắc phục những thiếu sót, tồn tại trong tổ chức thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Các đại biểu cũng cho rằng, nên quy định về bảo hiểm thất nghiệp ngay trong dự án Luật việc làm, sau đó sẽ thay đổi Luật bảo hiểm xã hội theo hướng này để bảo đảm sự thống nhất giữa các luật.
Về nguyên tắc, trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp, dự thảo Luật quy định Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp và giao Chính phủ quy định cụ thể mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
Theo ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, không nên quy định con số cụ thể như vậy. Vì trong thời kì đầu, Nhà nước có thể hỗ trợ một phần cho người lao động để chính sách đi vào cuộc sống. Còn khi chính sách đã ổn định thì không cần hỗ trợ thường xuyên nữa.
Chiều nay, cho ý kiến về dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi), vấn đề được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm thảo luận là cơ chế tài chính cho khoa học, công nghệ.
Để khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong quản lý kinh phí đầu tư cho khoa học, công nghệ và sử dụng kinh phí sai mục đích, Dự thảo Luật quy định Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất dự toán chi đầu tư phát triển cho khoa học công nghệ. Đa số ý kiến cho rằng quy định như vậy là cần thiết và phù hợp, nhằm thống nhất quản lý Nhà nước trong việc sử dụng kinh phí nhà nước cho khoa học và công nghệ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản tán thành với việc chỉnh sửa quy định về thanh quyết toán sau khi nghiệm thu nhằm tăng tính trách nhiệm và giảm bớt thủ tục hành chính khi thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước./.