Theo Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011 của Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn, quyết toán thu, chi NSNN năm 2011 với: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 962.982 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn năm 2010 chuyển sang năm 2011, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2010, thu hồi vốn ngân sách cho vay, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước).
Tổng số chi cân đối NSNN là 1.034.244 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2011 sang năm 2012).
Đặc biệt, bội chi NSNN 112.034 tỷ đồng, bằng 4,4% GDP (không bao gồm kết dư ngân sách địa phương 40.772 tỷ đồng).
Thẩm tra sơ bộ về quyết toán NSNN năm 2011, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đánh giá tổng số thu cân đối NSNN năm 2011 là 962.982 tỷ đồng là một kết quả rất tích cực trong bối cảnh kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn và cũng thể hiện sự cố gắng của các cấp, các ngành, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành Thuế, ngành Hải quan. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển, qua quyết toán thu NSNN năm 2011 nổi lên một số vấn đề. Trước hết, đó là thu NSNN vượt cao so với dự toán, tăng gấp 3 lần so với mục tiêu phấn đấu tăng thu của Chính phủ, thể hiện công tác lập dự toán chưa sát với thực tế phát sinh, phần nào ảnh hưởng tới công tác chỉ đạo, điều hành NSNN.
Mặt khác, xét về tổng thể, cả 4 nguồn thu chủ yếu của NSNN đều tăng so với dự toán được giao, trong đó: thu từ dầu thô tăng 40.905 tỷ đồng; thu nội địa từ sản xuất kinh doanh tăng 35.812 tỷ đồng; thu cân đối từ xuất nhập khẩu tăng 17.065 tỷ đồng; các khoản thu về nhà, đất tăng 25.918 tỷ đồng. Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) nhận thấy, số thu NSNN vượt dự toán chủ yếu bắt nguồn từ yếu tố khách quan, chiếm tỷ trọng lớn là do giá cả tăng, việc điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu và tăng thu các khoản về nhà, đất. Yếu tố từ sản xuất kinh doanh chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng số tăng thu. “Điều đó phản ánh thu NSNN tuy tăng cao nhưng chưa bắt nguồn từ nội lực của nền kinh tế, nguồn thu cũng chưa thực sự vững chắc.” – Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Phùng Quốc Hiển cho biết.
Về chi cân đối ngân sách nhà nước, Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, trong bối cảnh thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, vừa phải tiết kiệm chi thường xuyên, vừa phải cắt giảm đầu tư công, trước hết là giảm tỷ lệ chi đầu tư phát triển trong tổng chi NSNN cùng với chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng tổng chi cân đối NSNN vẫn có xu hướng tăng lớn (61.954 tỷ đồng), vượt 8,5% so với dự toán, trong đó chủ yếu là do tăng chi đầu tư phát triển (56.306 tỷ đồng).
Đáng lưu ý, chi cho một số lĩnh vực quan trọng như giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, sự nghiệp kinh tế... không đạt dự toán. Ông Phùng Quốc Hiển nêu rõ: “Bên cạnh yếu tố tích cực như tiết kiệm chi tiêu, tăng cường quản lý làm giảm chi tiêu thì việc không đạt dự toán cũng làm giảm hiệu quả sử dụng NSNN, ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội. Tình trạng này đang diễn ra ở một số năm (2010, 2011, 2012) là vấn đề cần được xem xét từ góc độ dự toán, quản lý và điều hành NSNN đối với các lĩnh vực này.”
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai bày tỏ: Thu NSNN vượt cao so với dự toán, tăng gấp 3 lần so với mục tiêu phấn đấu tăng thu của Chính phủ. Đây là vấn đề tồn tại từ nhiều năm mà Quốc hội đã có ý kiến nhưng chưa bao giờ vấn đề này có giải pháp khắc phục. “Tôi xin hỏi Bộ Tài chính vấn đề này có khắc phục được không? Do điều kiện về mặt kinh nghiệm, khả năng thời điểm này chưa làm được hay chúng ta làm được mà chưa làm?’ – Chủ nhiệm Trương Thị Mai hỏi.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, đây đúng là một trong những “bệnh kinh niên” cần khắc phục. Theo Chủ nhiệm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến “bệnh” trên, đó là do cơ chế, do công tác dự báo không tốt, và do tình hình kinh tế nước ta trong nhiều năm qua không ổn định. “Theo tôi, việc này phải khắc phục, quan điểm là giữa dự toán và thực hiện bao giờ cũng vênh nhau là tất yếu nhưng chênh ở mức độ nào là hợp lý” – ông Phùng Quốc Hiển bày tỏ.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đánh giá các báo cáo của Chính phủ, của Kiểm toán Nhà nước đã nêu một loạt những bất cập trong thời gian vừa qua làm cho chi tiêu ngân sách nhà nước có một số hạn chế. Song theo ông, “dù đã nêu đi nêu lại nhiều lần những bất cập, nhưng lại chưa nêu ra được những giải pháp khắc phục bất cập”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét các con số tại báo cáo quyết toán “chưa biết nói”. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần mổ xẻ kỹ "căn bệnh kinh niên" đã được nói nhiều tại Quốc hội là cứ dự toán thấp, thực hiện cao./.