|
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Đào Trọng Thi với Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các đoàn viên thanh niên |
Nhiều hình thức lấy ý kiến phong phú đã được các đơn vị thực hiện như tuyên truyền thông qua báo chí, bản tin thanh niên, website; tuyên truyền bằng hệ thống bảng tin, băng rôn, tổ chức các diễn đàn, chi hội... Đối tượng lấy ý kiến đa dạng, từ các cán bộ Đoàn, nhà nghiên cứu, cựu cán bộ Đoàn đến trí thức trẻ, sinh viên, người lao động... Các tổ chức Đoàn cơ sở cấp xã, phường, thị trấn và chi đoàn tổ chức lấy ý kiến qua sinh hoạt chi đoàn, nhiều đơn vị đã photo văn bản gửi đến từng cá nhân để xin ý kiến.
Đến ngày 14/3, các tổ chức cơ sở Đoàn trên cả nước đã tổ chức 6 hội nghị cấp Trung ương, 112 hội nghị cấp tỉnh, 1.196 hội nghị cấp huyện. Đã có 26.097 đoàn cấp cơ sở và 113.800 Chi đoàn tổ chức lấy ý kiến góp ý, qua đó đã thu được 1.180.022 ý kiến của đoàn viên cả nước.
Theo đánh giá chung của Ban Bí thư Trung ương Đoàn, đa số các ý kiến của đoàn viên, thanh niên đều bày tỏ sự ủng hộ, đồng tình cao đối với việc tổ chức lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; tin tưởng, phấn khởi và đồng tình với dự thảo. Cán bộ, đoàn viên thanh niên cũng khẳng định khát vọng của tuổi trẻ Việt Nam xây dựng và bảo vệ đất nước, một lòng đi theo lý tưởng của Đảng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân; đồng thời đề xuất, góp ý nhiều nội dung thiết thực, có chất lượng cho dự thảo hướng đến việc hoàn thiện tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Tuy nhiên, băn khoăn của đông đảo cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên cả nước là nội dung khoản 5 Điều 36 và Điều 66 trong Hiến pháp 1992 không có trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này. Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Quốc hội và Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 giữ lại những nội dung quy định về trách nhiệm của của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong việc giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Cũng theo ông Nguyễn Đắc Vinh, sau hai năm triển khai Cuộc vận động “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới,” tổ chức Đoàn các cấp đã vận động, huy động được đông đảo đoàn viên, thanh niên cùng chung tay tham gia. Việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền ở các cấp bộ đoàn là điểm nhấn trong triển khai Cuộc vận động. Nhiều cơ sở đoàn đã sáng tạo, linh hoạt, chủ động chọn việc, lĩnh vực tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương, nhất là đăng ký đảm nhận thực hiện các hạng mục xây dựng hạ tầng thiết thực, đem lại hiệu quả cao, từng bước tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, huy động đông đảo đoàn viên, thanh niên các lực lượng tích cực hưởng ứng.
Thời gian tới, triển khai thực hiện Đề án “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013-2020,” Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tiếp tục đa dạng hóa các hình thức truyền thông về chủ đề này; tăng cường chỉ đạo các cấp bộ đoàn đăng ký đảm nhận thực hiện các hạng mục công trình hạ tầng; tích cực hỗ trợ thanh niên nông thôn phát triển kinh tế, hướng đến các mô hình hợp tác xã thanh niên; chú trọng công tác hướng nghiệp, tạo việc làm, dạy nghề cho thanh niên; huy động các đội “Trí thức trẻ tình nguyện” tham gia xây dựng nông thôn mới...
Tại buổi làm việc, các vị trong Ban Bí thư Trung ương Đoàn, đại diện Đoàn thanh niên các khối trực thuộc đã đóng góp nhiều kiến nghị đề nghị Quốc hội quan tâm thúc đẩy quá trình nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến thanh niên như Luật Việc làm, Luật Thanh niên...; lồng ghép những vấn đề liên quan đến thanh niên trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định rằng quá trình ra đời, xây dựng, phát triển và lớn mạnh của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là niềm vinh dự, tự hào to lớn đối với các thế hệ đoàn viên, thanh niên cả nước cũng như lịch sử cách mạng Việt Nam. Trong suốt chiều dài bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, các thế hệ tuổi trẻ Việt Nam luôn phát huy vai trò xung kích, đi đầu, đóng góp đặc biệt quan trọng vào thành tựu chung của sự nghiệp cách mạng.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn, các cấp bộ Đoàn, mỗi đoàn viên thanh niên cả nước tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống quý báu của các thế hệ thanh niên đi trước; nỗ lực phấn đấu đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Hoan nghênh thanh niên, đoàn viên cả nước đã tích cực tham gia tổ chức lấy ý kiến góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Trong bối cảnh lịch sử mới, kỷ nguyên của khoa học, công nghệ, kỹ thuật, là lực lượng được trang bị tri thức cao, có trí tuệ, sức trẻ, thanh niên, đoàn viên phải tăng cường hơn nữa đóng góp ý kiến, góp phần hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. “Thanh niên, đoàn viên vừa phải tuyên truyền, tổ chức thực hiện, vừa phải tích cực đóng góp vào các nội dung trong dự thảo," Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Nhấn mạnh đến công việc trọng đại này của quốc gia, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Đảng, Nhà nước mong muốn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 phải hội tụ tinh hoa trí tuệ của dân tộc, của nhân dân và đồng bào cả nước, đặc biệt là trí tuệ của đội ngũ 26 triệu thanh niên, tuổi trẻ Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các cơ quan báo chí, tuyên truyền của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần phát huy hơn nữa bề dày thành tích cách mạng và lợi thế truyền thông sẵn có, tham gia tích cực vào việc tuyên truyền tổ chức lấy ý kiến toàn dân đóng góp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Chỉ rõ tính xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng kiên trì, bền bỉ và không thể thiếu vai trò thiết yếu của tuổi trẻ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gợi ý các cấp bộ đoàn cần chủ động chọn phần việc phù hợp với điều kiện, khả năng của mỗi tổ chức, cơ sở đoàn. Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, cần chú trọng vai trò chủ thể của người nông dân. Ngoài ra, tổ chức Đoàn các cấp cũng cần lưu ý đến công tác đào tạo, dạy nghề và hướng nghiệp cho thanh niên nông thôn; tiếp tục thiết lập và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế nông thôn cho thanh niên.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp, kiến nghị của thanh niên cả nước góp phần hoàn thiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định sẽ xem xét, chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng để có hướng giải quyết phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên phát huy sức trẻ, trí tuệ, đóng góp nhiều hơn nữa vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước./.