Hội nghị trực tuyến về ma túy AIPACODD 4
Tham dự Hội nghị trực tuyến AIPACODD 4 có đại biểu 10 Nghị viện thành viên AIPA; Tổng Thư ký và Ban Thư ký AIPA; đại diện Văn phòng Liên Hợp Quốc về phòng, chống ma túy và tội phạm (UNODC) tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai; Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà.
Tại Hội nghị, các quốc gia thành viên đã thông qua Chương trình nghị sự và Chương trình làm việc; đồng thời nghe Báo cáo của Liên Hợp quốc về ma túy và tội phạm; Báo cáo của ASEAN về ma túy; Báo cáo của các quốc gia thành viên AIPA.
Cũng tại Hội nghị trực tuyến, đại diện Đoàn Việt Nam cho biết về việc khắc phục những thách thức, khó khăn, làm tốt công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy.
Về một số thách thức, khó khăn, đại diện Đoàn ĐBQH Việt Nam cho biết, Việt Nam là quốc gia có đường biên giới dài gồm đường bộ, đường biển, đường không ... nên lượng ma túy thẩm lậu vào Việt Nam là khá lớn. Tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vị đặc biệt là tội phạm công nghệ cao, hoạt động có tổ chức, nguồn cung cấp ma túy lớn, sinh lợi nhiều, dễ tiếp cận, xuất hiện liên tục nhiều loại ma túy mới gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền trong công tác kiểm soát, đấu tranh phòng, chống và cai nghiện ma túy.
Bên cạnh đó, số người sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy diễn biến phức tạp, tăng nhanh và có xu hướng trẻ hóa. Các chất ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp, ngày càng nhiều, có tác hại rất lớn đến thể chất, tinh thần của người sử dụng. Điều này gây nhiều khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền trong việc tiếp cận, quản lý, hỗ trợ họ. Nguồn lực bố trí chưa đáp ứng được nhu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở cai nghiện ma túy, điểm tư vấn ... Các nguồn xã hội hóa cũng hạn chế bởi đây là hoạt động đòi hỏi chuyên môn, kinh phí đầu tư lớn mà lợi nhuận không cao.
Nguyên nhân khách quan của những tồn tại hạn chế này là, do chịu tác động của tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên thế giới và khu vực, đặc biệt Việt Nam nằm gần khu vực Tam giác vàng, có vị trí, địa lý, địa hình thuận lợi là nơi trung chuyển cho việc vận chuyển trái phép ma túy. Hơn nữa, sự xuất hiện của ma túy tổng hợp ngày càng đa dạng, người nghiện ma túy tổng hợp không có triệu chứng điển hình nên khó chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị. Đây là khó khăn chung của cả Việt Nam và các nước trên thế giới.
Nguyên nhân chủ quan là do khả năng ngăn chặn, kiềm chế tội phạm về ma túy, công tác phối hợp giữa các lực lượng từ tuyển đầu chưa thực sự vững chắc. Xã hội hóa công tác phòng, chống ma túy và nguồn lực đầu tư cho công tác này chưa đạt yêu cầu. Hiệu quả về hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy còn hạn chế, phân tán nhiều đầu mối, thiếu nhân lực thực hiện.
Đoàn ĐBQH Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến
Tư những tồn tại trên, Việt Nam đã rút ra bài học kinh nghiệm, đó là trong công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thống nhất quan điểm trong chỉ đạo, điều hành và tác nghiệp. Tăng cường công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, phù hợp với tình hình thực tiễn. Quan tâm và bố trí đủ nguồn lực cho công tác phòng, chống ma túy và cai nghiện ma túy, trong đó, chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, xây dựng bộ máy nhân sự có trình độ, chuyên môn, trách nhiệm, được đầu tư trang thiết bị, phương tiện, máy móc, công nghệ tiên tiến để bảo đảm hiệu quả công tác này.
Về giải pháp trong thời gian tới, Việt Nam chủ động rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn. Tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống và cai nghiện ma túy tại các bộ, ngành, địa phương, các trại giam và các trung tâm cai nghiện trong cả nước, quan tâm tháo gỡ khó khăn, quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện.
Đồng thời, Việt Nam cũng quan tâm bố trí nguồn lực cho công tác phòng, chống, kiểm soát ma túy và dự phòng, điều trị, cai nghiện ma túy phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội. Có biện pháp thu hút nguồn lực xã hội hóa. Tăng cường, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống và kiểm soát ma túy. Thực hiện có trách nhiệm các cam kết quốc tế trong phòng, chống ma túy mà Việt Nam đã ký kết và tham gia; phối hợp giữ vững lập trường chung của các nước ASEAN đối với vấn đề ma túy. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và tổng kết kinh nghiệm trong nước và quốc tế để góp phần đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới. Phối hợp với các tổ chức quốc tế để nâng cao nhận thức, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống ma tuý và các vấn đề có liên quan.
Đại diện Đoàn ĐBQH Việt Nam nêu rõ, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, không ngừng tăng nhanh ở Việt Nam cũng như các nước ASEAN và trên thế giới, đồng thời, số người sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy cũng gia tăng, có xu hướng trẻ hóa, Nghị quyết “Vượt qua những thách thức đương đại và ứng phó hướng tới ASEAN không ma túy” cần nhấn mạnh một số nội dung như: Tái khẳng định các cam kết hướng tới một cộng đồng ASEAN không ma túy thông qua việc rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, giữ vững quan điểm không hợp pháp hóa chất ma túy không vì mục đích y tế và khoa học. Tăng cường trách nhiệm của các quốc gia thành viên, mà đặc biệt là mỗi thành viên trong cộng đồng ASEAN, tham gia công tác phòng chống tội phạm ma túy và cai nghiện ma túy. Khuyến khích các quốc gia chia sẻ kinh nghiệm, điển hình tốt về tiếp cận thông tin, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cai nghiện ma túy, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại các quốc gia ASEAN./.