HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN AIPACODD 4: VIỆT NAM NÂNG CAO HIỆU QUẢ PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM MA TUÝ, CAI NGHIỆN MA TÚY

01/06/2021

Tham dự Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy AIPACODD 4 với chủ đề “Vượt qua những thử thách đương đại và ứng phó hướng tới ASEAN không ma túy” vừa qua, Đoàn ĐBQH Việt Nam đã có báo cáo quốc gia về kết quả phòng, chống tội phạm ma tuý, cai nghiện ma túy.

 

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến AIPACODD 4

Dự Hội nghị trực tuyến AIPACODD 4 có đại biểu 10 Nghị viện thành viên AIPA; Tổng Thư ký và Ban Thư ký AIPA; đại diện Văn phòng Liên Hợp Quốc về phòng, chống ma túy và tội phạm (UNODC) tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai; Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà.

Tại Hội nghị, các quốc gia thành viên đã thông qua Chương trình nghị sự và Chương trình làm việc; đồng thời nghe Báo cáo của Liên Hợp quốc về ma túy và tội phạm; Báo cáo của ASEAN về ma túy; Báo cáo của các quốc gia thành viên AIPA.

Cũng tại Hội nghị trực tuyến, đại diện Đoàn Việt Nam cho biết về kết quả công tác phòng, chống tội phạm ma tuý và công tác cai nghiện ma túy.

Về kết quả công tác phòng, chống tội phạm về ma tuý, trong năm 2020, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 24.548 vụ, 36.404 đối tượng phạm tội về ma túy. So với cùng kỳ năm 2019, tăng 12,85 % số vụ, tăng 9,15 % số đối tượng.

Trong cơ cấu tội phạm ma túy, đại diện Đoàn ĐBQH Việt Nam cũng chỉ ra rằng, tội mua bán trái phép chất ma túy chiếm 26 %, vận chuyển trái phép chất ma túy chiếm 3 %, tàng trữ trái phép chất ma túy chiếm 68 %, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy chiếm 1 %, tội khác chiếm 2 %. Bên cạnh đó, tình trạng trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy tiếp tục được kiềm chế. Một số địa bàn trọng điểm, có nguy cơ tái trồng cao đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và giáo dục pháp luật về cấm trồng cây có chứa chất ma túy. Tuy nhiên, nguồn lực hỗ trợ công tác xóa bỏ, thay thế cây chứa chất ma túy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn hạn chế. Tình hình tội phạm ma túy lợi dụng tuyến hàng không để vận chuyển trái phép chất ma túy vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trong đại dịch Covid - 19, khi mà các tuyến hàng không quốc tế bị giảm hoặc tạm dừng khai thác thì lực lượng chức năng vẫn phát hiện được vụ vận chuyển qua tuyến hàng không tại các sân bay nội địa.

Đoàn ĐBQH Việt Nam tham dự Hội nghị

Bên cạnh đó, Việt Nam tăng cường nâng cao hiệu quả hoạt động của Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) nhằm thúc đẩy quan hệ phối hợp giữa lực lượng chức năng các tỉnh giáp biên của Việt Nam với các nước láng giềng. Hiện nay, Việt Nam đã thành lập và đưa vào hoạt động 21 Văn phòng BLO trên cả nước.

Về kết quả cai nghiện, điều trị nghiện ma túy, Đoàn ĐBQH Việt Nam cho biết, đến ngày 31/12/2020, các cơ sở cai nghiện ma túy trên cả nước đã tiếp nhận, cai nghiện cho 55.480 lượt người, quản lý tại cơ sở 41.019 lượt người. Trên toàn quốc có 16 cơ sở cai nghiện ma túy do cá nhân, tổ chức thành lập đang hoạt động. Tuy nhiên, với điều kiện cơ sở vật chất chưa đầy đủ, đối tượng cai nghiện chủ yếu là tự nguyện với thời gian ở trong cơ sở cai nghiện ngắn nên hoạt động chủ yếu là cắt cơn, giải độc cho người cai nghiện tự nguyện.

Tính đến nay, công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố, điều trị cho trên 52.000 người. Trong đó, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đang tổ chức điều trị cho 3.852 người. Tỷ lệ ra khỏi chương trình điều trị là trên 30 %. Điều này tạo điều kiện cho người nghiện ma túy điều trị, phục hồi sức khỏe, đồng thời có thể tham gia lao động, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, số người đang tham gia điều trị nghiện bằng Methadone sử dụng đồng thời hoặc tải sử dụng chất ma túy nhóm OPIATS và các loại ma túy khác khá cao.

Đồng thời, thực hiện chủ trương đa dạng hóa công tác cai nghiện theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thí điểm một số mô hình: “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy” Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh; mô hình “ tiền xét xử ” liên quan đến “ Tòa ma túy ”; mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng đã triển khai có hiệu quả tại nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Giang, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa Vũng Tàu, Khánh Hòa...Việc triển khai các mô hình thí điểm đã mang lại nhiều cách tiếp cận mới trong công tác điều trị cai nghiện ma túy đã tạo điều kiện kết nối người nghiện ma túy tham gia các dịch vụ ngay tại cộng đồng như: tư vấn tâm lý - xã hội, dạy nghề, tạo việc làm, điều trị cắt cơn và điều trị HIV, tư vấn pháp lý ... Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình này cần phải có chính sách và nguồn lực,

Đoàn ĐBQH Việt Nam nêu rõ, để kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, các cơ quan liên ngành tiếp tục tăng cường phối hợp kiểm soát các hoạt động quản lý tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần. Tuy nhiên, công tác này còn gặp nhiều khó khăn, bất cập do các lực lượng chức năng chỉ có thể kiểm soát được đầu vào mà chưa kiểm soát được đầu ra cuối cùng của các loại tiền chất, nên vẫn còn tình trạng các đối tượng lợi dụng điều này để sản xuất ma túy tổng hợp./.

Hồ Hương