Tại các buổi làm việc, một trong những vấn đề được lãnh đạo Quốc hội quan tâm là việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp của Quốc hội. Quốc hội cần khắc phục cho được cả hai khuynh hướng trong hoạt động lập pháp hiện nay, đó là “luật khung”, “luật ống” dù thực tiễn đã rõ nhưng không quy định chi tiết mà “để dành” để quy định trong các văn bản hướng dẫn, làm giảm tính minh bạch của luật. Bên cạnh đó, luật quy định quá chi tiết những vấn đề trong thực tiễn chưa đủ rõ, chưa đủ “độ chín” đã “chốt chặt” trong luật đến khi thực tiễn thay đổi thì luật không theo kịp khiến “tuổi thọ” của luật ngắn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần tận dụng được cơ hội là một nước đang phát triển đang trong quá trình hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật đang dần hoàn thiện nên phần lớn các luật là sửa đổi bổ sung. Tuy nhiên cần khắc phục được tình trạng 1 luật sửa nhiều luật như trường hợp Luật Quy hoạch bởi điều này phá vỡ tính thống nhất trong chính nội tại của luật và trong toàn hệ thống pháp luật. Đồng thời, cần tăng cường sáng kiến pháp luật nhất là sáng kiến của các đại biểu Quốc hội. Sáng kiến được được vào chương trình xây dựng luật, pháp luật cũng được coi là thành công. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng cần tăng cường giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn luật và thực thi luật…
Do đó trong nhiệm kỳ tới, nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, trong đó có những chủ trương đã có từ các kỳ đại hội trước nhưng tiếp tục được thực hiện với tư duy mới, tầm nhìn mới, cần chú trọng rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật đã có trên tinh thần bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật cả về tổ chức bộ máy nhà nước, về kinh tế, về quyền công dân, quyền con người... theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.
Thực tế, sau 35 năm đổi mới, chúng ta đã tạo dựng được một hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý và phát triển xã hội. Song, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cả về hình thức, nội dung đến quy trình làm luật; tư duy làm luật còn mang nặng yếu tố quản lý, chưa hoàn toàn hướng đến mục tiêu kiến tạo phát triển. Vì vậy, để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, cần phải đổi mới tư duy làm luật để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện một hệ thống pháp luật tiến bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế của thời đại.
Những năm gần đây, Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ có nói nhiều đến việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển. Chính phủ lựa chọn và đặt công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật làm trung tâm của việc xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển. Khi đó, phải xây dựng được một hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của hiện tại cũng như phải phù hợp với xu thế phát triển của tương lai. Hệ thống pháp luật đó cần phải được xây dựng và hoàn thiện bằng một tư duy mới, đó là làm luật vì mục tiêu tạo dựng cho phát triển chứ không phải chỉ để quản lý, để bảo đảm an toàn xã hội một cách thuần túy và cứng nhắc theo kiểu tư duy cũ mà phải hướng đến việc tạo dựng một môi trường, một hành lang pháp lý an toàn, thuận lợi cho sự phát triển của xã hội.
Song với cơ chế và quy trình làm luật hiện nay, ở cả giai đoạn đề xuất chính sách đến giai đoạn soạn thảo vẫn chủ yếu được thực hiện bởi các cơ quan quản lý lĩnh vực chuyên ngành thì tư duy làm luật là để quản lý vẫn còn tồn tại ở đâu đó, cùng với đó là lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Do đó, nếu không được kiểm soát chặt chẽ thì rất có thể các đạo luật được ban hành không đáp ứng được yêu cầu kiến tạo hành lang phát triển mà chỉ nhằm mục đích kiểm soát, quản lý gây cản trở sự phát triển.
Đồng thời, pháp luật phải được xây dựng trên cơ sở thực tiễn. Mọi đề xuất xây dựng luật phải xuất phát từ thực tiễn, từ yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn và đáp ứng được những đòi hỏi của thực tiễn. Thực tế, không ít quy định vì xa rời thực tiễn, dẫn đến không khả thi, không đi vào cuộc sống. Những quy định kiểu như vậy gây ra sự lãng phí xã hội và hơn nữa là cản trở phát triển. Do đó, việc xây dựng luật cần chú trọng hoạt động tổng kết, đánh giá thực tiễn thi hành luật phải thực chất và sát đúng với thực tiễn, tránh tình trạng các báo cáo tổng kết thực tiễn mang tính đối phó, hình thức, thiếu số liệu thực tế được kiểm chứng. Việc phân tích, đánh giá tác động của chính sách phải thực chất, nhiều chiều, tránh tình trạng đối phó, hình thức, có định tính định lượng. Việc dự báo tính khả thi của chính sách phải dựa trên cơ sở của sự bảo đảm chắc chắn các nguồn lực cho thực thi chính sách khi luật được ban hành, tránh tình trạng chính sách nhiều, luật nhiều nhưng không có điều kiện nguồn lực, nhất là nguồn lực về tài chính để thực hiện hoặc thiếu sự đồng bộ trong chính sách nên tính khả thi không cao, luật không đi vào cuộc sống.
Trong phiên họp toàn thể lần thứ 35, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thẩm tra Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Một vấn đề cần phải nghiên cứu và cân nhắc lại là từ trước đến nay, chúng ta thường quá nặng nề về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm, trước đây là chương trình 5 năm. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm không nên quan niệm như những chỉ tiêu pháp lệnh mà là một kế hoạch để chúng ta phấn đấu thực hiện. Bởi một dự án luật được thông qua có tác động chính trị, kinh tế cũng như xã hội to lớn và lâu dài. Vì vậy, nó cần phải được xây dựng một cách bài bản, chắc chắn. Do đó, nếu một dự án luật trong chương trình nhưng chất lượng chưa bảo đảm thì tốt nhất là chưa nên trình. Đồng thời, đối với cơ quan soạn thảo nếu vì lỗi chủ quan mà không thể trình dự án luật đúng thời hạn thì cần phải xem xét, xử lý trách nhiệm đó tất nhiên sẽ phải được giải trình, xem xét và xử lý. Tuy nhiên, không nên vì tiến độ mà thúc ép phải trình những dự luật chưa đủ độ chín./.