Sáng 22/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Chánh án Toà án nhân dân tối cao (TANDTC) Trương Hòa Bình. Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi đi thẳng vào những vấn đề được dư luận hết sức quan tâm như án tham nhũng; tình trạng án tồn đọng, kéo dài, dư luận về “chạy án”, những tiêu cực trong xét xử…
Không loại trừ hành vi “chạy án”
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Đỗ Văn Đương nêu câu hỏi: Án tham nhũng hiện được dư luận hết sức quan tâm, song số vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử ít, trong khi tỷ lệ bị cáo được án treo và tù nhẹ chiếm tỷ lệ cao so với loại tội phạm khác, có nơi chiếm hơn 40%. Điều này gây hoài nghi trong dư luận liệu có chuyện tiêu cực, chạy án?
Trả lời vấn đề này, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho biết: Chất lượng xét xử của tòa án theo thống kê hàng năm dần được tăng lên, tuy nhiên vẫn còn những vụ án, nhất là án tham nhũng có dư luận đánh giá là “nương nhẹ”, chưa có nhiều cải thiện. Song theo thống kê, số án tham nhũng được xử án treo đã giảm rất nhiều trong thời gian qua.
Có hay không việc “chạy án” với án tham nhũng, Chánh án Trương Hòa Bình giải thích, việc xét xử của tòa án là căn cứ vào cáo trạng và truy tố của viện kiểm sát, căn cứ vào pháp luật để đưa ra bản án nghiêm khắc nhất.
Thực tế cho thấy, đối với án tham nhũng, phần lớn chỉ đưa ra xét xử những đối tượng chủ mưu, cầm đầu những vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Đây là đối tượng viên chức Nhà nước, thường có nhân thân tốt. Do đó khi xét xử, bên cạnh việc áp dụng khung hình phạt nghiêm minh, đúng người đúng tội, còn phải vận dụng chính sách nhân đạo với trường hợp tự thú, khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo... Trên cơ sở đó ra phán quyết bản án.
“Việc dư luận hoài nghi có tiêu cực hay không? Chúng tôi nhiều lần báo cáo, không loại trừ là có tiêu cực trong quá trình điều tra, truy tố và cả xét xử. Điều này đã được báo chí, cử tri, các mặt trận đoàn thể phản ánh” – ông Trương Hòa Bình nói.
Về hướng xử lý, Chánh án TANDTC cho biết: “Trường hợp phát hiện có giấu hiệu vi phạm, chúng tôi sẽ cương quyết xử lý đến nơi đến chốn; đồng thời phối hợp cùng các ngành các cấp trong giám sát xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực; tăng cường kiểm tra, giám sát Luật Công vụ, kiểm tra chuyên đề về luật xét xử; xử lý vi phạm đối với thẩm phán, cán bộ thực hiện không đúng bằng cách kỷ luật, không tái bổ nhiệm, nếu có giấu hiệu hình sự sẽ phối hợp xử lý”.
Để khắc phục tình trạng án treo về tham nhũng còn nhiều, ông Trương Hòa Bình nói: “Chúng tôi đang xây dựng nghị quyết, quy định chặt chẽ những trường hợp cho hưởng án treo đối với tội phạm tham nhũng. Ví dụ, trường hợp cầm đầu, chủ mưu dù có khắc phục, thành khẩn khai báo cũng không được hưởng án treo; hoặc phạm tội từ nghiêm trọng trở lên, án dưới 3 năm nhưng tội nghiêm trọng vẫn không được hưởng án treo”.
Bao giờ giải quyết hết “40% bức xúc trong dân”?
Về tình trạng án tồn đọng, kéo dài; đơn thư khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm phức tạp, chiếm tỷ lệ cao nhất trong khiếu tại tư pháp, trong khi hàng năm chỉ giải quyết được khoảng 60% - có nghĩa “gần một nửa bức xúc” của dân vẫn chưa được giải quyết – như đại biểu Lê Việt Trường, Ủy ban Quốc phòng – an ninh chất vấn, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình nêu rõ, có những vụ án tòa án đã giải quyết nhiều lần, nhưng đương sự vẫn bức xúc, khiếu nại. Thậm chí có những vụ án đã “trả lời đi trả lời lại”, tòa án đã làm việc các đại biểu Quốc hội… nhưng đương sự vẫn không hài lòng và tiếp tục khiếu nại, mặc dù không có căn cứ. Cũng có trường hợp đương sự khiếu nại, sau đó tòa án xem xét và thấy sự việc là đúng, sau đó đã tiến hành giám đốc thẩm.
Việc chậm đưa ra xét xử các vụ án giám đốc thẩm, tái thẩm, theo ông Trương Hòa Bình: Với tình trạng đơn nhiều như thế này, số lượng kháng nghị giám đốc thẩm cũng rất lớn, chiếm tỷ lệ khoảng 10% trên số đơn đề nghị. Ở cấp thẩm phán TANDTC, một năm chỉ có thể xem xét, giải quyết 200 vụ, nhưng số đơn kháng nghị là từ 300 – 400 trường hợp.
Về giải pháp, ông Trương Hòa Bình cho biết, Hội đồng thẩm phán cần tăng cường họp, kể cả ngày nghỉ để giải quyết các vụ án tồn đọng. Về lâu dài vẫn là nâng cao chất lượng xét xử để giảm kháng nghị; xây dựng quy định giải quyết giám đốc thẩm chặt chẽ hơn, bởi hiện nay quy định của pháp luật căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm còn mở quá rộng so với các quốc gia khác.
Đối với câu hỏi: “Đến khi nào hết 40% bức xúc của nhân dân?”, ông Trương Hòa Bình nói: “Chúng tôi thấy TANDTC có trách nhiệm trong vấn đề này. Chúng tôi sẽ cố gắng nỗ lực làm sao để không còn con số 40% đó. Muốn không còn con số này, thì phải giải quyết rất nhiều nguyên nhân như xem xét lại quy định tố tụng, cơ chế giám đốc thẩm...”.
Khắc phục tình trạng cán bộ ngành tòa án nhận hối lộ
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, nhiều vụ án cán bộ tòa án nhận hối lộ, nhận tiền của đương sự, Chánh án TANDTC khẳng định hiện tượng này là có thật và hàng năm đã có nhiều trường hợp cán bộ ngành tòa án bị truy tố.
Ông Trương Hòa Bình cho biết, hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ngành tòa án đã phát động phong trào thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” với phương châm gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân để tiếp tục khắc phục hạn chế, yếu kém./.