Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ NGUYỄN VIẾT CHỨC chia sẻ, ông đặc biệt ấn tượng với tư tưởng nhân văn, tiến bộ thấm đẫm trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bài viết của người đứng đầu Đảng ta không nặng về tính lý luận, mà sinh động, gần gũi. Chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội chính là vì dân, vì nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, Nhân dân được sống trong hạnh phúc, ấm êm.
Nguồn: internet
Kế thừa sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh
- Thưa ông, bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang được cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta thảo luận hết sức sôi nổi. Ông có suy nghĩ gì về bài viết này?
- Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được công bố đúng vào thời điểm kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người đặt nền móng cho cách mạng Việt Nam, dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta lúc đó cũng đang hướng tới sự kiện vô cùng trọng đại của đất nước là bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thấm đẫm tinh thần nhân văn. Chúng ta đi lên chủ nghĩa xã hội chính là vì dân, vì nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, Nhân dân được sống trong hạnh phúc, ấm êm. Đó không phải là xã hội cạnh tranh phát triển về kinh tế, “ông giàu, tôi giàu”, phân biệt đẳng cấp, mà là xã hội bình yên, khó khăn cùng nhau khắc phục, “lá lành đùm lá rách”, Nhân dân cùng nhau thụ hưởng. Suy cho cùng, mọi thành quả của cách mạng đều phải đem lại lợi ích cho Nhân dân. Đó là sự kế thừa và phát triển sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Ông có thể phân tích rõ hơn về sự kế thừa và phát triển này?
- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Nếu nước độc lập mà Nhân dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Kế thừa tư tưởng đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội…”. Cũng chính nhờ tinh thần đó, hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta đã lãnh đạo, chỉ đạo, đưa đất nước vượt qua muôn trùng khó khăn. Năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ về xóa nghèo, về đích trước gần 10 năm so với thời hạn (năm 2015). Đời sống của người dân ở mọi miền Tổ quốc được bảo đảm, không ai bị bỏ lại phía sau...
Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không hề xa vời, cũng không nặng về lý luận mà rất sinh động, gần gũi, phản ánh đúng tình hình thực tế. Chính vì thế, bài viết rất cuốn hút, khiến cho không chỉ cán bộ, đảng viên mà các tầng lớp Nhân dân đều hết sức quan tâm, hưởng ứng.
Văn hóa vững chắc thì phát triển mới bền vững
"Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thành công, thắng lợi đã góp phần thực hiện tư tưởng của bài viết này. Cử tri, Nhân dân đã phát huy trách nhiệm của mình để chọn ra những đại biểu xứng đáng bầu vào Quốc hội, HĐND. Với tỷ lệ cử tri đi bầu cao, đạt 99,57%, tôi tin rằng, cử tri đã sáng suốt lựa chọn đúng, trúng những người tiêu biểu nhất để gửi gắm niềm tin, khát vọng của mình. Những đại biểu của Nhân dân luôn tâm niệm phải phát huy tinh thần nói tiếng nói của cử tri, Nhân dân. Khi mọi cấp, mọi ngành đều nỗ lực vì ý chí, nguyện vọng của người dân, chính là khi đã thể hiện được tư tưởng của Tổng Bí thư trong bài viết".
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Viết Chức
|
- Trong bài viết, Tổng Bí thư nhấn mạnh “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Với nhiều năm công tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Không chỉ trong bài viết này Tổng Bí thư mới nhấn mạnh đến văn hóa. Phải khẳng định rằng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đều rất quan tâm đến văn hóa. Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng chỉ rõ khiếm khuyết thời gian qua là chưa quan tâm đến văn hóa tương xứng với kinh tế, chính trị và các lĩnh vực khác. Ở bài viết lần này, Tổng Bí thư một lần nữa quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh đó là “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Nghị quyết của Đảng ta luôn đặt văn hóa lên hàng đầu, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa còn là điều kiện, nền tảng cho phát triển bền vững.
Phải nâng cao văn hóa, không ngừng quan tâm đến văn hóa, khi đó câu chuyện tham nhũng, tham ô, lãng phí, những vấn nạn về đạo đức công vụ, đạo đức xã hội cũng sẽ giảm đi. Cán bộ có nền tảng văn hóa tốt thì sẽ luôn tự răn mình, rèn mình để không tham nhũng, không sách nhiễu Nhân dân, bởi vì sống có văn hóa là sống vì cộng đồng, vì người dân mà phục vụ. Truyền thống văn hóa nghìn đời nay của nước ta là “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”.
Hãy nhìn ngay vào thực tế chống đại dịch Covid-19 hiện nay. Chúng ta thành công hơn các nước khác có một nguyên nhân hết sức quan trọng chính là văn hóa cộng đồng, chia sẻ với nhau lúc khó khăn, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Có những bà cụ dành tặng số tiền tích góp bao nhiêu năm để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch. Trẻ em chung tay làm kính chống giọt bắn dành tặng các y, bác sĩ. Ở mọi nơi đều có sự chia sẻ lẫn nhau, địa phương này hỗ trợ địa phương kia, như Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Hà Nội… đều cử các đoàn y tế, chuyên gia hỗ trợ Bắc Giang phòng, chống đại dịch… Văn hóa sẻ chia, đùm bọc nằm sâu trong tâm khảm người Việt Nam, gắn bó với nhau cùng vượt qua khó khăn, xây dựng đất nước phát triển.
Đứng trước thời kỳ phát triển mới, với khát vọng mới, Tổng Bí thư mong muốn khơi dậy sức mạnh của dân tộc, khơi dậy nét đẹp văn hóa cũng là hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, hạnh phúc cho Nhân dân bởi Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Nhân dân.
- Theo ông, làm thế nào để văn hóa thấm sâu trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, đơn cử như văn hóa trong chính trị, văn hóa trong kinh tế?
- Suy cho cùng văn hóa là con người. Con người sinh ra văn hóa. Văn hóa điều chỉnh hành vi, ý thức, đời sống của con người. Và đã nói đến con người thì có đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng. Khi văn hóa vững chắc, văn hóa trở thành nền tảng thì phát triển mới bền vững. Do vậy, như Tổng Bí thư mong muốn, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải nâng cao nhận thức, tự tu dưỡng, rèn luyện, trở thành con người có văn hóa. Cán bộ có văn hóa, có liêm sỉ sẽ không đi tranh giành, tham ô những thứ không phải của mình, không làm tổn hại đến quyền và lợi ích chính đáng của người khác, của chính bản thân, gia đình, dòng họ mình và đặc biệt là lợi ích của quốc gia, dân tộc. Mỗi cán bộ thực sự thấm nhuần và thực hành các giá trị văn hóa thì những khiếm khuyết, khuyết điểm sẽ giảm đi đến mức triệt tiêu, không còn nữa.
- Xin cảm ơn ông!