Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cho ý kiến luật thuế thu nhập doanh nghiệp

20/03/2013

Tiếp tục phiên họp thứ 16, chiều 18/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, đối với quy định về thuế suất, dự thảo luật giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống còn 23%. Đối với doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%.

Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với chủ trương giảm thuế suất nhằm bảo đảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư và đề nghị nghiên cứu, quy định ngay trong Luật về lộ trình giảm thuế suất đến năm 2020, bảo đảm phù hợp với Chiến lược cải cách thuế. Cụ thể: giai đoạn 2014-2015 thuế suất 23%, đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ áp dụng thuế suất 20%; giai đoạn 2016-2020 áp dụng thống nhất một mức thuế suất 20%; đối với địa bàn đặc biệt khó khăn, cần được ưu đãi ở mức cao hơn, có thể quy định mức thuế suất 15%.

Về quy định ưu đãi thuế, dự thảo luật bổ sung chính sách ưu đãi thuế đối với tổ chức tài chính vi mô; ưu đãi thuế đối với hoạt động nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản, làm muối, sản xuất giống cây trồng và giống vật nuôi; ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng,...

Nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc mở rộng diện được ưu đãi thuế nhằm bảo đảm phù hợp với chính sách ưu đãi được quy định tại các đạo luật chuyên ngành. Tuy nhiên, để bảo đảm tính đầy đủ, thống nhất, đồng bộ với quy định tại các văn bản pháp luật liên quan, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát chính sách ưu đãi đầu tư đã được ban hành, nghiên cứu, bổ sung chính sách ưu đãi đối với một số địa bàn, ngành nghề, lĩnh vực khác.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo luật còn nhiều nội dung giao cho Chính phủ quy định, chưa cụ thể, minh bạch, có thể dẫn đến cách hiểu, cách vận dụng thiếu nhất quán. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, luật hóa tối đa các nội dung quy định tại văn bản dưới luật, bảo đảm tính cụ thể, minh bạch để có thể trình Quốc hội (khóa XIII) thông qua dự án luật tại kỳ họp thứ 5.

Cũng trong buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Về tên gọi của dự án luật, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ tên Luật như hiện hành là "Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí" vì Hiến pháp đã quy định về trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hai cụm từ này có quan hệ mật thiết với nhau, đã thực hành tiết kiệm là chống được lãng phí, ngược lại chống lãng phí cũng là biện pháp để thực hành tiết kiệm. Giữ tên gọi của luật như vậy sẽ đảm bảo tính thống nhất với quy định của Hiến pháp.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng dự thảo luật đã được bổ sung nhiều nội dung mới; nhiều vấn đề đã được cụ thể hóa hơn so với Luật hiện hành. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào yêu cầu thực tiễn, đối chiếu với các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong Luật hiện hành thì dự thảo luật còn nhiều vấn đề cần tiếp tục được hoàn thiện để đáp ứng mục tiêu sửa đổi...

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc, nghiên cứu quy định của dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), bảo đảm tính pháp lý, phù hợp với các luật hiện hành, bao quát mọi vấn đề liên quan đến hành vi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở các lĩnh vực, tạo căn cứ cho áp dụng và xem xét trách nhiệm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.../.

 

Phúc Hằng (TTXVN)

(http://www.vietnamplus.vn/)