Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu chủ trì Tọa đàm Góp ý hoàn thiện các quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về KT-XH

19/03/2013

Sáng 15.3, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đã chủ trì Tọa đàm Góp ý hoàn thiện các quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về KT-XH.

Theo đánh giá của các chuyên gia tại cuộc Tọa đàm, các nội dung về chế độ kinh tế, chế độ sở hữu trong Dự thảo đã có những sửa đổi, bổ sung rất cơ bản và đúng hướng, phù hợp với lý luận và thực tiễn. Đặc biệt, việc Dự thảo không nêu cụ thể tên và vai trò của các thành phần kinh tế được các chuyên gia ghi nhận là một trong những thay đổi rất quan trọng trong sửa đổi Hiến pháp lần này, góp phần bảo đảm các thành phần kinh tế được đối xử bình đẳng trên mọi phương diện: tham gia và rút lui khỏi thị trường; tiếp cận với các nguồn lực trong nền kinh tế, nhất là các nguồn đầu vào cho sản xuất và thị trường cho đầu ra của sản phẩm; được phát triển không hạn chế về quy mô và trong hầu hết các ngành, nghề, lĩnh vực của nền kinh tế, trừ một số ít lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia và được quy định rõ trong luật.

Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, quy định về thành phần kinh tế như Dự thảo chưa cụ thể. Khái niệm thành phần kinh tế được nêu tại Điều 54 nhưng toàn bộ Dự thảo không có quy định nào khác dẫn chiếu đến khái niệm này. Mặt khác, việc nêu khái niệm thành phần kinh tế trong Dự thảo cũng có nguy cơ tạo ra những diễn giải đối xử phân biệt không cần thiết giữa các thành phần kinh tế trong luật pháp, chính sách và thực tiễn. Do đó, để bảo đảm tính khái quát và tính dự báo cao đối với các xu hướng phát triển kinh tế, các ý kiến này đề nghị cân nhắc việc sử dụng khái niệm thành phần kinh tế trong Dự thảo. Đồng thời, cần cân nhắc bổ sung làm rõ nội hàm chế độ sở hữu toàn dân để làm rõ chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu, chủ thể quản lý nhà nước của Nhà nước; làm rõ các cấp chính quyền với việc ghi nhận sở hữu của chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương. Một số ý kiến cũng đề nghị, cần xác định rõ hơn vai trò điều tiết của Nhà nước theo hướng tôn trọng các quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường, coi đó là yêu cầu tự điều tiết của nền kinh tế. Nhà nước chỉ can thiệp nhằm điều tiết, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, phúc lợi xã hội, cân đối giữa phát triển và bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên.

B. Long

(http://daibieunhandan.vn/)