Sau khi Luật Người cao tuổi có hiệu lực thi hành, Chính phủ đã ban hành văn bản hướng dẫn thi hành và phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020. Các bộ, ngành đã ban hành 7 thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về chính sách đối với người cao tuổi. Nhìn chung, hệ thống các chính sách đối với người cao tuổi đang từng bước đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Luật Người cao tuổi ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, chưa bảo đảm chất lượng, còn nặng hình thức. Đời sống và chế độ trợ cấp xã hội cho người cao tuổi còn quá thấp.
Để xã hội hóa công tác chăm sóc cho người cao tuổi, việc huy động các doanh nghiệp xã hội cùng chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi là hết sức cần thiết. Nhưng hiện nay, doanh nghiệp xã hội còn nhiều khó khăn trong việc tạo việc làm cho người yếu thế, trong đó có người cao tuổi. Ví dụ, doanh nghiệp xã hội phải gánh những chi phí hỗ trợ xã hội cao cho nhóm đối tượng đặc thù; vốn đầu tư ban đầu thường cao hơn so với doanh nghiệp xã hội thông thường để đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của nhóm đối tượng... Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp xã hội trong việc tạo việc làm cho người yếu thế, trong đó có người cao tuổi cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về doanh nghiệp xã hội. Nhà nước cần có chương trình đặc thù hỗ trợ phát triển doanh nghiệp xã hội để tạo việc làm và cung cấp dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho người yếu thế; xem xét miễn giảm các yêu cầu về thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp xã hội; chuyển giao một phần dịch vụ công trong lĩnh vực việc làm cho doanh nghiệp xã hội.