Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo Cách thức tổ chức, tập hợp, tổng hợp và giải trình ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

13/03/2013

Ngày 12/3, tại Hà Nội, trong khuôn khổ hoạt động hợp tác với Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP), Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức Hội thảo Cách thức tổ chức, tập hợp, tổng hợp và giải trình ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Phát biểu tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo nhấn mạnh: sửa đổi Hiến pháp là công cuộc hệ trọng của quốc gia. Ở nước ta, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nên nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Nhìn chung, trong lịch sử lập Hiến của Nhà nước ta, nhân dân đều tham gia ý kiến vào việc xây dựng, ban hành các bản Hiến pháp. Việc lấy ý kiến nhân dân về Hiến pháp là cách thức dân chủ, thể hiện quyền và vai trò làm chủ của nhân dân đối với các vấn đề quốc gia đại sự của đất nước;  qua đó, nhằm tập hợp được trí tuệ sâu rộng trong toàn dân; góp phần làm cho Hiến pháp phản ánh đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

 Yêu cầu đặt ra đối với việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân là tổ chức thảo luận, lấy ý kiến nhân dân với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân trong nước và định cư ở nước ngoài tham gia sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác và nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thành dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp ý kiến và phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến của nhân dân, không để các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng, chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của nhà nước. Đồng thời, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp chính quyền, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

 Tham dự Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý trình bày về: cơ sở và cách thức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ quá trình lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; cách thức tập hợp, tổng hợp ý kiến đóng góp về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; cách thức xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. 

 Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, thiết thực và hiệu quả; tập hợp đầy đủ các ý kiến; các phương tiện thông tin đại chúng phải bảo đảm thông tin trung thực; tiếp thu tối đa những ý kiến hợp lý, những ý kiến không tiếp thu phải có giải trình cụ thể...

 Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận về cách thức triển khai thực hiện các hình thức, phương thức lấy ý kiến, công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ quá trình tổ chức lấy ý kiến, cách thức tổng hợp, nghiên cứu giải trình tiếp thu ý kiến đóng góp về Dự thảo Hiến pháp năm 1992, góp phần vào việc tổ lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 một cách hiệu quả.

 

Hà An

(http://daibieunhandan.vn/)