Hội đồng Hiến pháp được quy định tại Điều 120 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (Dự thảo). Theo đó, Hội đồng Hiến pháp là cơ quan do QH thành lập. Nhiệm vụ của Hội đồng Hiến pháp gồm: kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do QH, Chủ tịch Nước, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao ban hành; kiến nghị QH xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp; yêu cầu Chủ tịch Nước, UBTVQH, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm Hiến pháp; kiểm tra tính hợp hiến của điều ước quốc tế được ký kết trước khi trình QH, Chủ tịch Nước phê chuẩn.
Đánh giá cao việc Dự thảo đã quy định một thiết chế chuyên biệt bảo vệ Hiến pháp, song, một số ý kiến tại cuộc Tọa đàm cho rằng, với nhiệm vụ và quyền hạn được giao như quy định của Dự thảo, Hội đồng Hiến pháp khó có thể thực hiện được chức năng cơ bản là ngăn ngừa và xử lý nghiêm minh các hành vi vi hiến, bảo đảm các quy định của Hiến pháp được tuân thủ nghiêm ngặt trong quá trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan hữu quan cũng như trong đời sống. Một số ý kiến khác cho rằng, mô hình Hội đồng Hiến pháp như quy định của Dự thảo tuy chưa thật sự là một thiết chế thực quyền mang tính tài phán độc lập nhưng việc lựa chọn mô hình như Dự thảo là một bước đi phù hợp, tiến bộ trong việc tổ chức cũng như hoàn thiện tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta. Với tư cách là một thiết chế hoạt động chuyên trách, Hội đồng Hiến pháp có khả năng giúp QH kiểm soát có hiệu quả chính hoạt động lập pháp của mình cũng như hoạt động lập quy của các thiết chế khác trong bộ máy nhà nước, góp phần bảo đảm tính tối thượng của Hiến pháp trong thực thi quyền lực Nhà nước. Các ý kiến này cũng đề nghị, để mô hình Hội đồng Hiến pháp trong Dự thảo hoàn thiện hơn nữa, cần nghiên cứu, bổ sung và làm rõ một số nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Hiến pháp. Cụ thể, ngoài các nhiệm vụ như quy định tại Điều 120, Hội đồng Hiến pháp cần được trao nhiệm vụ kiểm tra, kết luận về tính hợp hiến của các đạo luật do QH ban hành, nếu phát hiện có vi phạm Hiến pháp thì tạm đình chỉ việc thi hành và yêu cầu QH xem xét lại trong kỳ họp gần nhất; trường hợp vẫn được 2/3 tổng số ĐBQH biểu quyết tán thành thì kết luận của Hội đồng Hiến pháp không được chấp nhận. Đối với văn bản của các cơ quan khác của Nhà nước, nếu kết luận có nội dung vi phạm Hiến pháp thì Hội đồng Hiến pháp có quyền đình chỉ việc thi hành. Đồng thời, Hội đồng Hiến pháp có nhiệm vụ kết luận và kiến nghị giải tán những hội hoạt động trái Hiến pháp; kết luận và kiến nghị về tính hợp hiến của một bản án đã có hiệu lực pháp luật, đã qua cấp xét xử cao nhất mà vi phạm quyền công dân, làm oan người vô tội.