Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai chủ trì phiên họp.
Theo Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trình bày, Luật Thi đua, Khen thưởng được QH ban hành từ ngày 26.11.2003 đã góp phần giúp công tác thi đua, khen thưởng ngày càng đi vào nền nếp, chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, sau 8 năm thi hành, Luật có một số nội dung hạn chế chưa phù hợp với tình hình thực tiễn cần được nghiên cứu, bổ sung như quá trình thực hiện công tác khen thưởng còn có biểu hiện tràn lan; tiêu chuẩn danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng quy định trong Luật còn mang tính chất định tính, chưa rõ ràng... Để khắc phục những nội dung còn hạn chế trong Luật hiện hành, dự án Luật lần này đã tập trung sửa đổi, bổ sung về hệ thống tiêu chuẩn của danh hiệu thi đua và các hình thức khen thưởng; sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến nguyên tắc khen thưởng, thẩm quyền ban hành, hình thức thi đua, khen thưởng và thủ tục hồ sơ xét tặng các danh hiệu, hình thức thi đua khen thưởng.
Cho ý kiến về dự án Luật, các đại biểu tham dự phiên họp cho rằng, Tờ trình đã nêu rõ hạn chế sau 8 năm triển khai thực hiện Luật Thi đua, Khen thưởng, song chưa chỉ rõ nguyên nhân của hạn chế là do vướng mắc trong quản lý thực tiễn, hay do thực tế phát sinh cần sửa đổi. Để khắc phục tình trạng khen thưởng tràn lan, dự thảo Luật lần này cần giảm bớt các hình thức khen thưởng cấp nhà nước. Ví dụ, tại Điều 52, dự án Luật sẽ bổ sung hình thức khen thưởng cấp Nhà nước là Huy chương Thanh niên xung phong kháng chiến để truy tặng cho đối tượng là thanh niên xung phong có quá trình cống hiến trong hai cuộc kháng chiến. Thực tế, quy định về thanh niên xung phong đã thể hiện trong Pháp lệnh Người có công với cách mạng, do vậy không cần thiết phải bổ sung hình thức khen thưởng này trong dự thảo Luật lần này.
Thẩm tra dự án Luật Việc làm, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết xây dựng Luật Việc làm, bảo đảm phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần khắc phục các hạn chế của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về việc làm, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế; thúc đẩy, ổn định, bảo đảm việc làm và việc làm bền vững cho người lao động.
Dự thảo Luật Việc làm quy định các chính sách hỗ trợ người lao động như: hỗ trợ việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề; dịch vụ việc làm; bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị, trong chính sách hỗ trợ việc làm, Ban soạn thảo cần đánh giá tác động về kinh tế - xã hội, đặc biệt là chính sách tài chính đối với chính sách hỗ trợ việc làm nhằm bảo đảm tính khả thi của các quy định này.