CHỦ TỊCH NHÓM ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TRẺ VIỆT NAM LÊ QUỐC PHONG: CẦN PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA ĐẠI BIỂU TRẺ

15/05/2021

Chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, để số lượng và chất lượng đại biểu trẻ được nâng cao, cần có chính sách, cơ chế nào để thu hút, trọng dụng nhiều hơn nữa những người trẻ có đủ đức và tài tham gia vào cơ quan dân cử. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Phong, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp, Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam.

Ông Lê Quốc Phong trả lời phỏng vấn

Năng động, dám nghĩ, dám làm, không ngại khó, ngại khổ, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Quốc hội đã ghi nhận nhiều dấu ấn của các đại biểu trẻ, đóng góp tích cực cho sự lớn mạnh của Quốc hội. Trải qua 14 nhiệm kỳ của Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội trẻ dưới 40 tuổi đạt trung bình khoảng 15%, trong đó khóa I rất cao 70,7%. Chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, để số lượng và chất lượng đại biểu trẻ được nâng cao, cần có chính sách, cơ chế nào để thu hút, trọng dụng nhiều hơn nữa những người trẻ có đủ đức và tài tham gia vào cơ quan dân cử. Phóng viên đã đã có cuộc ytrao đổi với ông Lê Quốc Phong, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp, Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam.

Phóng viên: Thưa ông, tăng tỷ lệ đại biểu trẻ tuổi vào Quốc hội là rất cần thiết, theo đúng quy luật là có sự kế thừa và thay thế. Nhưng với trọng trách, nhiệm vụ và vai trò của Quốc hội thì mỗi đại biểu trẻ - người đại diện cho tiếng nói của cử tri cần được trang bị những gì để thể đảm đương vị trí ở cơ quan dân cử quan trọng?

Ông Lê Quốc Phong, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam: Để trở thành ĐBQH, đầu tiên cần chuẩn bị tâm thế, ý thức rõ về trách nhiệm của mình, khi bắt đầu làm hồ sơ, chuẩn bị chương trình hành động…Tâm thế đó giúp cho ĐBQH trẻ tự tin, có sự chuẩn bị chu đáo khi trúng cử trong hoạt động nghị trường.

Thứ hai, phải xác định cho rõ trách nhiệm của ĐBQH trước mắt với cử tri của mình, nắm bắt được nguyện vọng, mong muốn của cử tri để có thể phản ánh trên diễn đàn Quốc hội. Phải giữ được mối quan hệ cầu nối quan trọng giữa cử tri với Quốc hội. Có những thông tin chúng ta chuyển tải tới nghị trường Quốc hội phải nghiên cứu thật kỹ, xem xét vấn đề đó có trong luật chưa, đã được quan tâm chưa, ở cấp độ chính sách nào và ta nên đề đạt ở mức độ nào để tính khả thi cao, được tiếp thu tối đa. Có vấn đề mà Quốc hội đã quyết định, luật đã có thì ta phải có trách nhiệm làm cầu nối để thông tin lại với cử tri để cử tri hiểu, tham gia vào hoạt động chung của Quốc hội.

Điều quan trọng nữa là chúng ta phải dành thời gian nhất định cho hoạt động của mình. Bởi để có thể trình bày 7 phút trước Quốc hội cần một sự chuẩn bị rất chu đáo cẩn thận, kỹ lưỡng về nội dung, về vấn đề mình đặt ra, về kiến thức, lập luận, lý lẽ để thuyết phục. Khả năng thuyết trình thì mỗi người sẽ khác nhau, nhưng quan trọng là nội dung chúng ta trình bày phải được chuẩn bị kỹ, đạt yêu cầu của từng phiên thảo luận, chất vấn. Điều đó cho thấy giá trị mà chúng ta đóng góp vào hoạt động của Quốc hội..

Phóng viên: Với quá trình hoạt động nghị trường của mình, ông có những câu chuyện, bài học nào có thể chia sẻ để những người trẻ có thêm kinh nghiệm khi ứng cử vào cơ quan dân cử?

Ông Lê Quốc Phong, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam: Đây là khóa đầu tiên tôi tham gia. Tuy nhiên có nhiều bài học, kinh nghiệm trong suốt 5 năm qua. Đó là việc chuẩn bị cho bài phát biểu đầu tiên của mình, tôi nhớ là liên quan tới các vấn đề về thanh niên. Với thời lượng là 7 phút, tôi phải chuẩn bị rất kỹ. Một bài rất dài, tôi phải cắt gọt, điều chỉnh nội dung, tự tập dượt trước nhiều lần để đảm bảo làm sao bài trình bày của mình phù hợp, có vấn đề nào mình cần phải đặt ra, trình bày trước Quốc hội. Đòi hỏi mình phải có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng.

Thứ hai, khi chúng ta quan tâm điều gì, lĩnh vực nào trong hoạt động Quốc hội thì nên dành thời gian để nghiên cứu sâu tài liệu và phải lắng nghe ý kiến của các đại biểu khác, lắng nghe ý kiến dư luận, các kênh thông tin báo chí, trên cơ sở đó đúc kết thông tin để mình đưa ra những luận điểm, lý giải có cơ sở, đủ yếu tố thực tiễn, để bảo vệ được quan điểm.

Thứ ba, kinh nghiệm khi làm luật thanh niên, chúng tôi thấy sự kiên trì để bảo vệ quan điểm, từ thực tiễn cuộc sống để thuyết phục Quốc hội cùng quan tâm tới vấn đề đó, đòi hỏi mình phải dành thời gian nhiều, nghe nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Đôi khi sự kiên trì sẽ làm thay đổi sự quan tâm của các ĐBQH khác, từ đó hiệu quả truyền đạt thông tin của mình sẽ tốt hơn.

Phóng viên: Để số lượng và chất lượng đại biểu trẻ được nâng cao, cần có chính sách, cơ chế đặc thù nào để thu hút nhiều hơn nữa những người trẻ có đủ đức và tài tham gia vào cơ quan dân cử, thưa ông?

Ông Lê Quốc Phong, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Chủ tịch Hội Nghị sĩ trẻ Việt Nam: Chính sách thì tôi nghĩ là khá đầy đủ. Theo tôi, cần tăng cường tuyên truyền về hoạt động Quốc hội đến với các bạn trẻ nhiều hơn để các bạn thấy hoạt động Quốc hội, những vấn đề Quốc hội quan tâm, những yêu cầu của một ĐBQH, tiêu chuẩn, trách nhiệm của ĐBQH như thế nào. Chính điều đó sẽ giúp các bạn trẻ hiểu đầy đủ hơn về hoạt động của một người đại biểu nhân dân, từ đó sẽ căn cứ vào năng lực, điều kiện, khả năng của mình để quyết định việc mình có tham gia hay không. Các tổ chức của thanh niên, các cơ quan, đơn vị khi được giao giới thiệu ĐBQH thì nên quan tâm các nhóm đối tượng đại biểu trẻ (Quốc hội xác định trẻ là từ 45 tuổi trở xuống) để chúng ta có thể lựa chọn, xem xét những trường hợp đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn để khuyến khích, động viên các bạn mạnh dạn tham gia vào nghị trường Quốc hội.

Với mỗi bạn trẻ cũng nên suy nghĩ về việc trở thành ĐBQH, đó là môi trường rất tốt để các bạn đại diện tiếng nói của cử tri trẻ, phản ánh được những vấn đề mình quan tâm trong cuộc sống. Với những bạn có kiến thức chuyên môn sâu, có năng lực thì sẽ góp ích lớn với Quốc hội trong việc xây dựng, hoạch định chính sách, xây dựng luật. Chính điều đó giúp cho pháp luật đáp ứng được yêu cầu cuộc sống. Sự quan tâm này đi từ cả 2 phía: từ các bạn thanh niên với hoạt động Quốc hội để tự tin tham gia ứng cử và cái quan tâm lớn hơn là từ hoạt động của Quốc hội và từ các cơ quan đơn vị khi lựa chọn, giới thiệu người ứng cử.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

(Theo trang Hội đồng bầu cử quốc gia)