Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 kiểm tra việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tại Hà Tĩnh

06/03/2013

Sáng 5.3, Đoàn kiểm tra của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã làm việc với Thường trực HĐND, UBND và MTTQ tỉnh Hà Tĩnh về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý chủ trì cuộc làm việc.

Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Ủy viên Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình.

Ngay sau khi có Nghị quyết của QH, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 một cách rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm. Tính đến ngày 28.2, Hà Tĩnh đã có 55 đơn vị, địa phương báo cáo kết quả lấy ý kiến góp ý về Ban chỉ đạo tỉnh. Toàn tỉnh đã tổ chức 746 hội nghị quán triệt triển khai và lấy ý kiến góp ý, 41 hội thảo chuyên đề, 133 cuộc tọa đàm và hơn 2.100 cuộc họp, sinh hoạt của chi bộ, thôn, xóm, khối phố... Bên cạnh đó, Hà Tĩnh còn tranh thủ lấy ý kiến đóng góp của người dân xa quê, người lao động ở nước ngoài về quê đón Tết. Đến thời điểm này, ước tính ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã đã có hơn 150 nghìn lượt cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Qua lấy ý kiến cho thấy, nhân dân Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm đến việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và đại đa số ý kiến đều bày tỏ sự đồng thuận cao với dự thảo sửa đổi Hiến pháp; nhiều ý kiến đóng góp về các nội dung cụ thể nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra, Hà Tĩnh đã chuẩn bị chu đáo, tổ chức triển khai tập trung, sâu rộng việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhất là việc lấy ý kiến đối với khối các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đã được tiến hành khá tốt. Trưởng Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý cho rằng, Hà Tĩnh đã có nhiều sáng tạo trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp như: đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, các thôn, xóm; tổ chức các hội thảo chuyên gia, biên soạn lại các tài liệu về dự thảo sửa đổi Hiến pháp để phổ biến rộng rãi đến từng người dân... Nhờ đó, đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp và điều đáng mừng là đại đa số ý kiến của nhân dân đều đồng thuận với tinh thần cũng như các nội dung cụ thể của dự thảo. Nhấn mạnh Hiến pháp là của nhân dân, việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là đợt sinh hoạt chính trị pháp lý đặc biệt quan trọng, Trưởng ban Biên tập Phan Trung Lý yêu cầu, ý kiến đóng góp của nhân dân đối với các điều khoản cụ thể của dự thảo sửa đổi Hiến pháp, kể cả ý kiến đồng thuận và ý kiến chưa đồng thuận phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, khách quan, trung thực. Trên cơ sở đó, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ tiếp thu, giải thích, giải trình cụ thể, cặn kẽ để dự thảo sửa đổi Hiến pháp thực sự là kết tinh của trí tuệ, ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Thời gian tới, Trưởng ban Biên tập Phan Trung Lý đề nghị, Hà Tĩnh cần quan tâm tuyên truyền, giới thiệu sâu rộng hơn nữa các nội dung cụ thể của dự thảo sửa đổi Hiến pháp đến các đối tượng dân cư đặc thù trên địa bàn tỉnh như: ngư dân, người lao động tại các khu công nghiệp, người dân tại các huyện, xã có điều kiện đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, cần tổ chức thêm các Hội nghị chuyên đề, chuyên gia đóng góp ý kiến đối với các quy định của dự thảo sửa đổi Hiến pháp về tổ chức chính quyền địa phương, Hội đồng Hiến pháp...

Góp ý vào Điều 68 - đây là quy định mới trong dự thảo Hiến pháp năm 1992 lần này về bảo vệ môi trường - nhiều đại biểu cho rằng, để nâng cao trách nhiệm của xã hội trong bảo vệ môi trường, quy định tại khoản 1 nên bổ sung thêm cụm từ toàn xã hội để khẳng định, bảo vệ môi trường là trách nhiệm của Nhà nước, toàn xã hội và là nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân. Đối với khoản 3, tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại, có ý kiến đề nghị không nên chỉ dừng ở xử lý nghiêm, bồi thường thiệt hại mà cần bổ sung quy định xử lý theo quy định của pháp luật. Bởi lẽ, hệ thống pháp luật hiện hành đã có các văn bản luật về bảo vệ môi trường, trong đó có chế tài xử phạt các hành vi gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học.

 

B. Long

(http://daibieunhandan.vn/)