Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 15, sáng 26/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.
Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú nhằm khắc phục tình trạng lạm dụng các quy định thông thoáng của Luật để đăng ký thường trú tại nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương, gây mất cân đối về phân bố dân cư và an sinh xã hội.
Liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm, khoản 1 Điều 1 của dự thảo quy định nghiêm cấm ký hợp đồng lao động không thời hạn đối với người lao động nhưng thực tế người này không làm việc tại doanh nghiệp đó hoặc ký hợp đồng lao động không thời hạn đối với người lao động không thuộc doanh nghiệp mình để người này nhập hộ khẩu vào thành phố trực thuộc trung ương. Thực tế thời gian qua cũng đã có nhiều trường hợp như vậy. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: Quy định này chưa đầy đủ và chặt chẽ.
Ông Nguyễn Văn Hiện phân tích: “Luật của chúng ta là Luật cư trú nên phải xem lại phạm vi điều chỉnh của Luật ấy là cái gì, có phải điều chỉnh việc ký kết hợp đồng lao động hay không? Cho nên tôi đề nghị thế này cái điều kiện để đăng ký thường trú có rất nhiều điều kiện. Có thể người ta giả mạo các điều kiện ấy để đăng ký thì cấm là cấm những hành vi giả mạo ấy chứ không phải cấm họ kí hợp đồng lao động. Nên các đồng chí phải lưu ý việc đó”.
Một nội dung mới của dự thảo Luật so với Luật cư trú hiện hành là công dân chỉ cần 1 điều kiện duy nhất là có nhà ở thuộc sở hữu của mình, không cần điều kiện thứ 2 là phải tạm trú liên tục tại thành phố trực thuộc trung ương thì sẽ được đăng ký thường trú tại thành phố đó. Tuy nhiên, bản chất của đăng ký thường trú là đăng ký việc cư trú cho những người sinh sống thường xuyên, ổn định, không thời hạn. Do vậy, nhiều ý kiến băn khăn: nếu chỉ quy định có nhà ở thuộc sở hữu của mình là được đăng ký thường trú mà không tính đến việc người dân có thực sự cư trú thường xuyên ở đó hay không là vấn đề cần được cân nhắc kỹ./.