Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 14

15/01/2013

Sáng 14/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 14, phiên họp đầu tiên của năm 2013.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tham dự phiên họp. Theo chương trình, dự kiến, trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

 Kéo dài đến ngày 16/1/2013, cũng trong khuôn khổ phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của các dự án luật: Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh; Luật phòng, chống khủng bố; Luật phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai; Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi).

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về một số vấn đề khác như Nghị định về hoạt động mỹ thuật; Nghị định quy định công nhận ngày truyền thống, ngày kỷ niệm và ngày hưởng ứng của Việt Nam. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về một số công việc của Kiểm toán Nhà nước.

 Trong buổi làm việc sáng nay, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của các dự án Luật Giáo dục quốc phòng, an ninh - dự án luật đã được thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tư của Quốc hội khóa XIII.

 Những ý kiến đóng góp tại buổi làm việc xoay quanh các nội dung chính như tên gọi của dự án luật; vấn đề bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng trong các cơ quan, tổ chức nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho người quản lý doanh nghiệp ngoài nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; Vấn đề bổ sung đối tượng điều chỉnh là tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú và hoạt động trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến giáo dục quốc phòng an ninh vào đối tượng áp dụng của dự án luật…

Một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn phạm điều chỉnh của dự thảo luật; đưa nội dung trật tự an toàn xã hội vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật.

 Một số ý kiến cho rằng quy định của dự thảo luật về hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng an ninh cần được cân nhắc để vừa bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ một cách thiết thực, hiệu quả và khả thi, đồng thời cần hết sức tránh chồng chéo trong quản lý, lãng phí trong đầu tư xây dựng.

 Liên quan đến vấn đề này, theo Ủy ban Quốc phòng-An ninh, đến nay, cả nước đã có 32 trung tâm đi vào hoạt động bảo đảm chất lượng và hiệu quả (trong đó Bộ Quốc phòng quản lý 18 trung tâm thuộc các trường quân sự quân khu và trường quân sự cấp tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý 14 trung tâm thuộc các cơ sở giáo dục đại học).

 Hằng năm, có khoảng 280.000-320.000 sinh viên (đạt tỷ lệ 50% sinh viên) và 2,4 vạn cán bộ, công chức được học tập, bồi dưỡng tại các trung tâm. Thực tế, công tác quản lý, điều hành hoạt động của các trung tâm này nhìn chung thuận lợi, không có sự chồng chéo, vướng mắc.

 Về lâu dài, để đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cơ sở trang thiết bị dạy học; thực hiện lộ trình đưa sinh viên vào giáo dục quốc phòng an ninh tập trung, góp phần nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục quốc phòng an ninh, trong thời gian tới, Chính phủ đã chủ trương hoàn thiện hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng an ninh trong cả nước nhưng không xây dựng mới mà chủ yếu tận dụng tổ chức, biên chế, cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, doanh trại, hệ thống giảng đường, phòng học chuyên dùng, thao trường, bãi tập, vũ khí hiện có của các nhà trường quân đội (trường quân sự quân khu và trường quân sự cấp tỉnh) để tổ chức các trung tâm giáo dục quốc phòng an ninh.

 Góp ý về tên gọi của dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, nên sử dụng thống nhất thuật ngữ giáo dục quốc phòng an ninh bởi nội dung của chuyên đề giáo dục này là quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trang bị kiến thức quân sự. Đối với quy định bổ sung đối tượng áp dụng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, không nên bổ sung đối tượng là tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú và hoạt động trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có liên quan đến giáo dục quốc phòng an ninh vì điều này trên thực tế là khó khả thi và chưa thực sự hợp lý.

 Dự án luật sẽ tiếp tục được Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội./.

 

Quang Vũ (TTXVN)

(http://www.vietnamplus.vn/)