Theo Báo cáo của Bộ Y tế, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã triển khai đánh giá 7 năm thực hiện Luật Dược và 3 năm thực hiện Luật Bảo hiểm y tế. Trên cơ sở đó, cơ quan hữu quan đã đề ra các nhóm vấn đề cụ thể cần được giải quyết thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Luật Dược. Theo đó, trong 3 năm qua thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, nguồn thu từ khám chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế đã đóng góp được 70 – 80% tổng kinh phí phục vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện công; trong đó bảo đảm 90% cho bệnh viện tuyến huyện và 60% cho bệnh viện tuyến Trung ương. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm y tế vẫn còn một số hạn chế. Năm 2012, vẫn còn khoảng 35% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế; hoạt động tuyên truyền, vận động người dân thực hiện luật chưa tốt, người dân chưa dễ tiếp cận để mua bảo hiểm y tế tự nguyện. Đặc biệt việc phân cấp quản lý quỹ bảo hiểm y tế còn chồng chéo; các đối tượng như nhóm trẻ em dưới 6 tuổi dù được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm y tế nhưng mới có khoảng 80% số trẻ được cấp thẻ; hộ cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm y tế 70% mới được khoảng 25% tham gia bảo hiểm y tế, thậm chí có địa phương tỷ lệ nhóm đối tượng này tham gia bảo hiểm y tế dưới 10%. Đối với Luật Dược, sau nhiều năm triển khai thực hiện, Luật Dược đã bộc lộ những tồn tại như: việc kiểm soát giá thuốc, cơ chế đấu thầu, quản lý thuốc; cơ chế quản lý chồng chéo chưa khai thác được thế mạnh sản xuất thuốc nội, phát triển công nghiệp dược phẩm trong nước...
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Luật Dược là rất cần thiết. Từ nay đến tháng 9.2013, các cơ quan hữu quan cần hoàn thiện các dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các Luật này để bảo đảm đúng tiến độ trình QH tại Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XIII.