Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự Phiên giải trình về việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh

25/12/2012

Ngày 24.12, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức Phiên giải trình về việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh được ban hành từ ngày 1.1.2009 đến ngày 30.6.2012.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu tới dự. Cùng dự có đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, các ĐBQH, đại diện các bộ, ngành liên quan.

Theo Báo cáo của Chính phủ, từ ngày 1.1.2009 đến 30.6.2012, QH và UBTVQH đã thông qua 68 luật, pháp lệnh, trong đó có 61 luật, pháp lệnh ủy quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành, với 760 nội dung cụ thể. Đến nay, đã có 391 nội dung đang xây dựng hoặc xem xét, ban hành văn bản quy định chi tiết, trong đó nhiều nội dung thuộc 15 luật, pháp lệnh được QH, UBTVQH thông qua trong năm nay. Các nội dung chưa được ban hành văn bản quy định chi tiết chủ yếu thuộc các luật, pháp lệnh được QH, UBTVQH thông qua trong năm 2012. Dù số lượng văn bản quy định chi tiết chậm ban hành đã giảm nhiều so với những năm trước, song vẫn còn một số lĩnh vực lượng văn bản này không giảm, thậm chí một số lĩnh vực lượng văn bản quy định chi tiết chậm ban hành nhiều hơn trước đây. Mặt khác, do tập trung nhiều cho công việc điều hành, chỉ đạo ngành, lĩnh vực nên các bộ, ngành có lúc chưa chú trọng đúng mức cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhất là văn bản quy định chi tiết. Việc ban hành thông tư quy định chi tiết luật, pháp lệnh còn chậm, chất lượng chưa cao, thậm chí là ban hành văn bản trái với văn bản cấp trên.

Giải trình về những hạn chế nêu trên, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp khẳng định: việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết là do các bộ, ngành chưa nhận thức đầy đủ về yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, đặc biệt một số bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa xem đây là nhiệm vụ chủ yếu, là chức năng cơ bản của quản lý nhà nước. Các bộ, ngành cũng chưa đề cao và thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong việc tổ chức thực thi quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về soạn thảo, ban hành loại hình văn bản quy phạm pháp luật này. Các bộ, ngành còn chưa phối hợp chặt chẽ, khoa học, đôi khi còn hình thức trong xây dựng các văn bản quy định chi tiết. Ngoài ra, trình độ, năng lực chuyên môn, kỹ năng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của đội ngũ công chức, nhất là nhữäng ngườâi làm công tác pháp chế ở các bộ, ngành còn hạn chế. Cơ chế phân bổ kinh phí và lượng kinh phí đầu tư cho việc nghiên cứu, soạn thảo văn bản quy định chi tiết chưa phù hợp, khó đáp ứng đầy đủ và kịp thời yêu cầu của công việc này.

Theo đại diện Văn phòng Chính phủ, để ban hành kịp thời, bảo đảm chất lượng, hạn chế tối đa tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết, trong thời gian tới, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện thẩm định các văn bản quy định chi tiết, thay vì giao các bộ, ngành tự thực hiện như hiện nay. Như vậy, việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết sẽ được thực hiện thống nhất, thường xuyên và toàn diện hơn. Chính phủ cũng tập trung chỉ đạo các bộ, ngành – là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao chất lượng dự thảo, giảm tối đa số lượng các vấn đề cần quy định chi tiết. Việc ủy quyền lập pháp sẽ chỉ thực hiện đối với những vấn đề liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, những vấn đề chưa có tính ổn định cao.

Phát biểu tại Phiên giải trình, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, tại Nghị quyết số 20 của QH về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ Khóa XIII đã xác định nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng, bảo đảm hiệu quả trong việc soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, cần xác định rõ các cơ quan, lĩnh vực có số lượng văn bản quy định chi tiết chậm ban hành lớn để nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ quan này, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng loại hình văn bản quy phạm pháp luật này. Đồng thời, cần làm rõ việc chậm cấp kinh phí xây dựng văn bản quy định chi tiết do những nguyên nhân nào, từ đó tìm được giải pháp tháo gỡ hiệu quả.

P. Thủy

(http://www.daibieunhandan.vn)