Theo báo cáo của Chính phủ, từ khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 có hiệu lực đến nay, các văn bản quy định chi tiết được xây dựng, ban hành đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật. Tiến độ xây dựng, ban hành văn bản được đẩy nhanh hơn, giảm bớt số lượng văn bản phải ban hành. Tuy nhiên, tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh chưa giải quyết triệt để. Tính đến tháng 10-2012, vẫn còn nợ đọng 24 văn bản quy định chi tiết thi hành 15 luật, pháp lệnh có hiệu lực thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Một số luật đã có hiệu lực nhưng chưa ban hành kịp thời văn bản quy định chi tiết như Luật Tố cáo, Luật Lưu trữ, Luật Ðo lường, Luật Cơ yếu. Một số bộ, ngành do áp lực về tiến độ, mặc dù dự thảo văn bản chưa bảo đảm chất lượng nhưng vẫn trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tại phiên giải trình, đại diện các bộ, ngành đã làm rõ trách nhiệm liên quan đến những vấn đề còn tồn tại trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, cũng như giải trình việc ban hành, thực hiện một số quy định còn nhiều ý kiến khác nhau thời gian gần đây như quy định xe chính chủ, quy định thu phí bảo trì đường bộ, quản lý vàng miếng...
Các đại biểu đề nghị, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc thực hiện các luật, pháp lệnh, đồng thời tăng tính công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng các văn bản nói trên, tránh ban hành những quy định có nội dung chỉ có lợi cho công tác quản lý, điều hành. Bên cạnh đó, cần nâng cao kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.