Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Chủ tịch Nhóm nữ ĐBQH Việt Nam Trương Thị Mai chủ trì hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nêu rõ, việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật hôn nhân và gia đình lần này đặt ra trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang chuyển đổi rất nhanh cùng với sự phát triển của cơ chế thị trường và những tác động nhiều mặt của quá trình hội nhập sâu vào khu vực và quốc tế đang đặt ra yêu cầu phải xem xét nhiều khía cạnh của đời sống hôn nhân và gia đình hiện đại, trong đó có những vấn đề mới mẻ với quan niệm và truyền thống Á Đông như vấn đề mang thai hộ, và việc xác định quan hệ cha – mẹ - con, vấn đề ly thân, vấn đề thỏa thuận tài sản tiền hôn nhân, hiện tượng chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn chưa thể chấm dứt sau quy định không thừa nhận của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Chủ nhiệm lưu ý, điều đáng quan tâm nhất trong phạm vi được đề xuất, sửa đổi lần này có những vấn đề sẽ trực tiếp động chạm đến nền tảng truyền thống hôn nhân và kết cấu gia đình Việt Nam, có thể làm thay đổi một số nhận thức và quan điểm về những giá trị đạo đức truyền thống trong đời sống hôn nhân – gia đình Việt Nam. Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh, việc tổ chức hội thảo này Uỷ ban Về các vấn đề xã hội và Nhóm nữ ĐBQH Việt Nam mong muốn sẽ tạo ra một diễn đàn hữu ích để các vị đại biểu, với tư cách là các chuyên gia, các nhà quản lý, hoạch định chính sách… cùng chia sẻ thông tin, quan điểm về một số nội dung cơ bản đặt ra trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe 15 tham luận về 4 chủ đề: Tổng quan về Luật Hôn nhân và gia đình; Kết hôn và sinh con; Vấn đề tài sản trong hôn nhân và gia đình; Tố tụng hôn nhân và gia đình, nuôi con, cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn. Thảo luận tại hội thảo, đa số các đại biểu đều cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 là cần thiết. Sau 12 năm thi hành, Luật Hôn nhân và gia đình đã phát huy tốt vai trò, tác động tích cực trong nhiều mặt, góp phần xây dựng gia đình văn hóa, thúc đẩy kinh tế gia đình, KT- XH phát triển. Tuy nhiên, luật cũng bộc lộ những hạn chế do có quy định chưa thật rõ, hoặc mới chỉ định tính, rất chung chung hoặc có những vấn đề đã phát triển thành những hiện tượng của xã hội nhưng luật chưa đề cập để điều chỉnh…
Các đại biểu kiến nghị, khi sửa đổi Luật cần xem xét đưa nội dung xác định cha mẹ cho con sinh ra bằng HTSS vào Luật để tăng tính pháp lý; Xem xét yếu tố tâm lý và tuổi sinh sản của con người – độ tuổi kết hôn như Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 là phù hợp; đưa quy định Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập hiện chỉ có trong nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn thành nguyên tắc trong các chế định khác, nhất là khi hôn nhân còn đang tồn tại nhằm bảo đảm quyền bình đẳng giữa vợ và chồng; Rà soát các quy định của Nghị định 70 và các văn bản khác hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình, đưa các nội dung đã được quy định trong các văn bản này vào trong dự thảo Luật nếu các nội dung đó đã được thực tiễn kiểm nghiệm về tính hợp lý như: bổ sung nguyên tắc việc nhập tài sản riêng của vợ chồng vào tài sản chung nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản không được pháp luật công nhận…; Dự thảo Luật cần có một khoản quy định về đăng ký kết hôn đối với các dân tộc thiểu số;…