Lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng trong kỳ họp tới

23/11/2012

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ… trong kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13 vào tháng 5-2013.

 

Đó là một nội dung trong Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn vừa được Quốc hội thông qua sáng 21-11 với 474/478 đại biểu có mặt tán thành‎, chiếm 95,18%.

Trước đó, báo cáo giải trình do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đọc cho biết, qua thảo luận tại tổ và tại Hội trường, nhiều đại biểu đề nghị thu gọn phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm, không tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ban của Hội đồng nhân dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Kết quả, chỉ có 46/379 đại biểu tán thành lấy phiếu tín nhiệm với phạm vi đối tượng và chủ thể tiến hành như đã thể hiện trong dự thảo Nghị quyết. Có 332/379 đại biểu đề nghị Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước. Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, ủy viên thường trực Hội đồng nhân dân, Trưởng các Ban của Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên của Ủy ban nhân dân. Không lấy phiếu tín nhiệm tại Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Ban của Hội đồng nhân dân.

Tại hội trường hôm nay, có 468/475 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết đã tán thành với sự điều chỉnh này.

Sẽ lấy phiếu tín nhiệm hằng năm

Về thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ; riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013.

Trong các phiên thảo luận, một số ý kiến đề nghị chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong một nhiệm kỳ hoặc lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp cuối mỗi năm. Nhưng theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm sẽ làm cho người giữ chức vụ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, phát huy trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời, cũng để các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xem xét, điều chỉnh việc sắp xếp, bố trí cán bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

Quy định về thời điểm lấy phiếu tín nhiệm bắt đầu từ năm thứ hai của nhiệm kỳ là để bảo đảm thời gian cần thiết cho việc thể hiện năng lực lãnh đạo, quản lý của người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Kỳ họp của Quốc hội thường tiến hành vào tháng 5 và tháng 10; các kỳ họp thường lệ của Hội đồng nhân dân cũng tiến hành vào khoảng giữa năm và cuối năm. Do đó, việc lựa chọn thời điểm lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp đầu tiên trong năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ để đánh giá kết quả công tác của năm trước đó là phù hợp.

Về mức độ tín nhiệm, nhiều ý kiến đề nghị chỉ nên quy định ba mức độ thể hiện tín nhiệm là “tín nhiệm cao”, tính nhiệm”, “tín nhiệm thấp”, bỏ mức “chưa có ý kiến” (hoặc “ý kiến khác”); ý kiến khác đề nghị chỉ nên có hai mức là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về nội dung này. Kết quả cho thấy, có 305/379 đại biểu tán thành phương án quy định ba mức độ “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”; chỉ có 45/379 đại biểu tán thành phương án quy định bốn mức độ “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp” và “ý kiến khác”; 22/379 đại biểu đề nghị quy định hai mức độ “tín nhiệm”, “không tín nhiệm” hoặc “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm thấp”.

Vì thế, khoản 4 điều 8 về Quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội đã được điều chỉnh như sau: “Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu bầu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp””.

Tại hội trường, Điều 8 đã được 462/472 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Quá nửa đại biểu không tín nhiệm sẽ bị bãi nhiệm

Về hệ quả đối với người được Quốc hội, Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp”, Điều 10 quy định: “Người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc hai năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 của Nghị quyết này.

Về hệ quả đối với người không được Hội đồng nhân dân tín nhiệm, Điều 14 quy định: “Người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân bỏ phiếu “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm.

Nghị quyết quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn gồm 16 điều, sẽ có hiệu lực từ 1-2-2013.

 

 

NHẬT THẢO

(http://www.nhandan.com.vn/)