* Thảo luận dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi)
Mở đầu phiên họp buổi sáng, các đại biểu QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH Ðào Trọng Thi trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi). Trên cơ sở đó, QH đã biểu quyết thông qua ba nội dung cụ thể của dự thảo Luật với đại đa số phiếu tán thành và thông qua toàn bộ dự án Luật Xuất bản (sửa đổi) với 460 đại biểu tán thành, bằng 92,37% tổng số đại biểu QH.
Chuyển sang xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, các đại biểu đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này và biểu quyết thông qua ba vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau gồm: Quy định về đào tạo nghề luật sư; cho phép hay không cho phép viên chức đang làm nghề giảng dạy pháp luật làm nghề luật sư; quy định về điều kiện hành nghề của luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Kết quả, các đại biểu QH đã biểu quyết thông qua quy định về đào tạo nghề luật sư và quy định về điều kiện hành nghề của luật sư nước ngoài tại Việt Nam như dự thảo với đại đa số phiếu tán thành. Riêng vấn đề cho phép hay không cho phép viên chức đang làm nghề giảng dạy pháp luật được làm nghề luật sư, Ủy ban Thường vụ QH đưa ra hai phương án: Phương án 1 không cho phép và phương án 2 cho phép. Cuối cùng, QH đã biểu quyết thông qua phương án 1 với đa số phiếu tán thành và thông qua toàn bộ dự án luật này với 449 đại biểu tán thành, bằng 90,16% tổng số đại biểu QH.
Trước khi biểu quyết thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, các đại biểu QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiến báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật này, trong đó nêu rõ những vấn đề Ủy ban Thường vụ QH tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu QH và chỉnh lý vào dự thảo và những vấn đề Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH cho giữ nguyên như dự thảo. Tiếp đó, QH đã thông qua Khoản 11 và Khoản 18, Ðiều 1 và thông qua toàn bộ dự án luật này với 461 đại biểu tán thành, bằng 92,57% tổng số đại biểu QH.
Cũng với trình tự thông qua nói trên, QH đã biểu quyết thông qua các dự án: Luật Dự trữ quốc gia; Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðiện lực với đại đa số đại biểu tán thành.
Buổi chiều, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến đối với dự án Luật Khoa học và Công nghệ (KH và CN) (sửa đổi).
Ða số ý kiến phát biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật KH và CN hiện hành nhằm khắc phục những bất cập của luật này, góp phần thúc đẩy phát triển KH và CN phục vụ phát triển đất nước. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị, luật cần xác định cụ thể trọng tâm trong phát triển KH và CN thời gian tới, phục vụ quá trình CNH, HÐH đất nước, với mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Nội dung được nhiều đại biểu góp ý kiến là cơ chế tài chính trong đầu tư phát triển KH và CN. Các đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương), Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, thời gian qua, mặc dù công tác nghiên cứu, phát triển KH và CN được đầu tư kinh phí rất lớn, nhưng hiệu quả mang lại từ những công trình nghiên cứu, phát minh, sáng chế chưa tương xứng. Hằng năm, có hàng trăm đề án, công trình nghiên cứu KH và CN được thực hiện, nhưng số lượng các đề án, công trình được áp dụng vào thực tế đời sống, sản xuất rất hạn chế. Do vậy, luật cần quy định cơ chế khuyến khích nghiên cứu, áp dụng KH và CN đối với những ngành trọng điểm, là thế mạnh của Việt Nam và có tính thực tiễn cao.
Nhiều đại biểu cho rằng, vướng mắc lớn nhất trong nghiên cứu KH và CN hiện nay là cơ chế tài chính phục vụ công tác này. Ðại biểu Ðỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, hiện nay chúng ta vẫn cấp kinh phí cho công tác nghiên cứu KH và CN theo chỉ tiêu, mang tính chất cào bằng, với nguồn kinh phí hạn hẹp. Do vậy, không khuyến khích được các nhà khoa học tập trung nghiên cứu những lĩnh vực trọng điểm, có tính dài hơi vì những công trình này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, thời gian nghiên cứu dài. Ðại biểu này đề nghị, luật cần có cơ chế để tính đúng, tính đủ về kinh phí đối với các công trình nghiên cứu KH và CN có tính chất trọng điểm, mang tính thực tiễn cao và có cơ chế giám sát chặt chẽ việc phê duyệt và sử dụng kinh phí trong công tác nghiên cứu KH và CN. Một số đại biểu đề nghị, cần có cơ chế tạo điều kiện để các nhà khoa học tập trung nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp vì đây là thế mạnh của Việt Nam.
Về công tác xã hội hóa trong thu hút nguồn lực phục vụ nghiên cứu KH và CN, nhiều đại biểu tán thành những quy định trong dự thảo luật theo hướng huy động cao nhất mọi nguồn lực của xã hội vào công tác nghiên cứu KH và CN. Ðại biểu Phùng Ðức Tiến (Hà Nam) cho rằng, cùng với việc huy động nguồn lực trong nước, cần có cơ chế thu hút những nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia nghiên cứu khoa học, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần phân bổ lại nguồn lực trên phạm vi cả nước, vì hiện nay hầu hết các nhà khoa học giỏi tập trung ở Hà Nội và các thành phố lớn.
Nhiều ý kiến phát biểu tán thành quy định các doanh nghiệp phải trích 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư nghiên cứu phát triển KH và CN, đồng thời đề nghị lập Quỹ nghiên cứu phát triển KH và CN tại các địa phương và có cơ chế giám sát việc sử dụng nguồn kinh phí từ quỹ này.